Hà Nội: Mới xử lý được 18/26 điểm đen tai nạn, 8/35 điểm thường ùn tắc
(Dân trí) - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay mới xử lý được 18/26 điểm đen tai nạn giao thông và 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2023 hôm qua (13/1), ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2022 đã nỗ lực hoàn thành dự toán thu/chi được giao trong điều kiện có nhiều tác động của các yếu tố khách quan. Công tác tổ chức bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được duy trì thường xuyên, hiệu quả.
Việc điều chỉnh giao thông được Sở GTVT Hà Nội xử lý kịp thời, đã xử lý được 18/26 điểm đen tai nạn giao thông và 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Ngành GTVT Hà Nội đã mở mới 11 tuyến xe buýt, thực hiện điều chỉnh 83 tuyến buýt góp phần phục vụ có hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân. Thực hiện có hiệu quả công tác vận tải hành khách bằng xe taxi; vận tải hàng hóa và kiểm soát tải trọng, xe thô sơ, xe ba bánh.
Đặc biệt đã phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội vận hành có hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Công tác quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe được quản lý chặt chẽ.
Theo ông Long, trong năm 2022 Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông thành phố tham mưu phê duyệt chủ trường đầu tư: Dự án cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32 huyện Phúc Thọ; dự án đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (Đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc), huyện Mỹ Đức, huyện Ứng;
Khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Hà Đông - Xuân Mai; dự án hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai; dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội,...
Cơ quan này đã phối hợp bàn giao đưa vào khai thác sử dụng Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.
Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trên 16.600 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 51,5 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 1.412 trường hợp,…
Ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống giao thông thông minh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành GTVT trong bối cảnh ngành thuộc nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.
Về nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch TP Hà Nội.
Tham mưu đề xuất với thành phố bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các công trình giao thông quan trọng nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá và đi trước một bước tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Ông Tuấn yêu cầu toàn ngành giao thông Hà Nội phải tiếp tục tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe và đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh...
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định, sẽ cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở GTVT tiếp tục nỗ lực phấn đấu khẳng định vai trò quan trọng trong bộ máy hành chính của Thủ đô. Đồng thời không ngừng hoàn thiện và phấn đấu, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục đạt kết quả nhiều thành công hơn nữa trong công tác.