1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Lưu thông ở đường vành đai 2 trên cao như thế nào cho đúng?

Thế Kha

(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội thông báo về việc phân luồng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở - tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vừa thông xe sáng 11/1.

Theo đó, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được đi đường vành đai 2 trên cao bao gồm: Máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật.

Người và phương tiện được tham gia giao thông trên vành đai 2 trên cao gồm: Các phương tiện cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc.

Việc lưu hành các loại xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng trên đường trên cao thực hiện theo Giấy phép lưu hành xe được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.

Hà Nội: Lưu thông ở đường vành đai 2 trên cao như thế nào cho đúng? - 1

Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (Ảnh: Tố Linh).

Theo thiết kế, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí một làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m. Giao thông ở đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng).

Sở GTVT Hà Nội cho biết, các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Vĩnh Tuy; không được quay đầu xe trên đường trên cao, chỉ dẫn xe chạy đường trên cao thông qua hệ thống sơn phân làn và hệ thống biển báo.

Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h. 

"Người lái xe phải làm chủ tốc độ trên các nhánh đi vào, đi ra đường trên cao nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Người tham gia giao thông tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống biển báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông, Luật Giao thông đường bộ,… tại các nút giao, điểm quay đầu, toàn tuyến đường và các tuyến phố giao cắt với đường vành đai 2 mở rộng (đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và ngược lại)", Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Hà Nội: Lưu thông ở đường vành đai 2 trên cao như thế nào cho đúng? - 2

Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h (Ảnh: Tố Linh).

Phát biểu tại lễ thông xe sáng 11/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đây là công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đi qua 4 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai.

Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 28/4/2018, với chiều dài trên 5km, có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BT.

Dự án hoàn thành sẽ giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại một trong những tuyến đường vành đai phức tạp, có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn hiện nay.

Ông Tuấn giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường, nút giao trong khu vực ảnh hưởng sau khi thông xe (đặc biệt là tổ chức giao thông nút giao Ngã Tư Sở) để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.