"Hà Nội không "hẹp hòi" với người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn"
(Dân trí) - Đối thoại với Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Hộ - nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn nêu những lo lắng cho thế hệ con cháu mình nếu những tồn tại liên quan đến bãi rác Nam Sơn không được xử lý.
Chiều ngày 30/10, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi đối thoại với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Hỗ trợ 10.000 đồng/ngày vì sống cùng ô nhiễm
Phát biểu tại đây, ông Lê Văn Hộ ở thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) cho biết, từ khi bãi rác đi vào hoạt động (năm 1999), đã 15 lần người dân ra đường chặn xe. Theo ông Hộ, những lần chặn xe trước đây chỉ đơn thuần là do bãi rác ô nhiễm quá sức chịu đựng của nhân dân. Còn sau này là do những hứa hẹn của TP với nhân dân chưa được thực hiện.
“Không hiểu bãi rác đã quá tải hay chưa? Nhưng vừa rồi ô nhiễm ghê gớm quá, mùi thối bốc lên cả huyện cũng cảm thấy chứ không chỉ nhân dân 3 xã chúng tôi. Cực chẳng đã như vậy nhân dân mới ra chặn xe. Chặn xe như vậy là vi phạm pháp luật. Đảng viên chúng tôi ra vận động người dân, nhưng họ cho là không vi phạm vì chỉ chặn xe chở rác gây hôi thối thôi, còn xe khác vẫn đi bình thường. Họ nói thế, chúng tôi biết làm sao!”, ông Hộ nói.
Bản thân ông Hộ cũng từng là Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, nên ông cũng nắm rất rõ những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác. Theo ông Hộ, tình hình ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn rất nguy hiểm. Tính từ năm 1999 đến 2005, cả xã Nam Sơn chỉ có 2 người chết do ung thư, nhưng từ năm 2005 đến nay đã có trên 100 người. Ngay thôn Đông Hạ ông Hộ sinh sống (thôn bé nhất xã Nam Sơn) cũng có 22 người bị ung thư, trong đó có 13 người chết, 9 người đang chạy chữa.
“Có nhà tới 4 người chết vì ung thư, còn nhà tôi có 5 anh em bị ung thư trong đó 3 người đã chết rồi, còn 2 người đang chờ ra đi. Bản thân tôi không bao giờ hút thuốc nhưng cũng bị ung thư phổi giai đoạn 3, bác sĩ đã bó tay trả về nhà rồi. Chúng tôi già rồi, chết cũng đẹp rồi, nhưng con cháu sau này thì sao? Tôi đề nghị TP cố gắng lo cho dân, bởi vì chúng ta là cán bộ của dân, do dân và vì dân”, ông Hộ nghẹn ngào kiến nghị.
Ông Hộ cũng nêu ra những bức xúc của người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn trong chính sách tái định cư của TP và huyện Sóc Sơn. Nguyên Chủ tịch xã Nam Sơn đề nghị TP phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng khu tái định cư cho người dân. Cụ thể là 2 khu tái định cư ở xã Nam Sơn, Bắc Sơn với hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhưng không có dân đến ở nên bị bỏ hoang.
“Bây giờ lại xây thêm 4 khu nữa ở cả 3 xã, trong đó với khu tái định cư ở xã Hồng Kỳ dân đã kiến nghị lên TP là không ở đó. Khu này chỉ cách bãi rác 1,5 km, mà đúng hướng gió, đi qua cũng thấy thối lắm rồi thì ở sao được. Người ta muốn ở khu khác hợp lý hơn, nếu vẫn làm ở đó dân không về ở thì lãng phí quá!”, ông Hộ nói thêm.
Phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Na Sơn (xã Bắc Sơn) cho rằng, nếu như huyện và TP thực hiện đúng như những gì đã từng cam kết với nhân dân 3 xã thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng chặn xe vào bãi rác. Ông Thắng cho hay bản thân gia đình mình không hài lòng với việc chỉ được chi trả 10.500 đồng/m2 đất được cho là thổ cư. Ông Thắng lo ngại với số tiền được đền bù thấp như vậy sẽ không đủ để mua đất ở khu tái tái định cư, ổn định cuộc sống.
Còn ông Nguyễn Minh Hùng trước khi phát biểu có đề nghị với Thường trực Thành ủy và lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn xem bản thân nhân dân 3 xã có tham lam quá không mà các chính sách thực hiện quá chậm chạp. “Nhân dân chúng tôi nên được hỗ trợ 10.000 đồng/ngày, số tiền đấy cũng chỉ đủ mua dầu gió thôi chứ không nhằm nhò gì so với việc chúng tôi sống với ô nhiễm trong 21 năm nay”, ông Hùng cho hay.
TP không hẹp hòi gì với người dân
Trước ý kiến của nhân dân, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân ở trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là quá chậm. Ông Hùng cho biết, TP cũng đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cử 30 cán bộ của trung tâm quỹ đất xuống 3 xã để giải quyết những vướng mắc xong trước Tết Nguyên đán.
“Quan điểm của TP là vận dụng tối đa những chính sách để giải quyết cho bà con 3 xã trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Còn những chính sách nào vượt quá quyền hạn thì chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo cơ quan Trung ương để giải quyết. Còn những gì chúng tôi đã nói với bà con trong những lần đối thoại trước thì vẫn còn nguyên giá trị. Bởi những gì tôi đã nói là dựa trên cơ sở chính sách pháp luật”, ông Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Sóc Sơn rút kinh nghiệm trong việc xác định vị trí đất tái định cư. Ông Hùng cho biết, TP không ép nhân dân đến khu ở xã Hồng Kỳ như ông Lê Văn Hộ phản ánh. Theo ông Hùng, TP không hẹp hòi gì với bà con trong vấn đề này. Do vậy, theo ông Hùng, TP và huyện Sóc Sơn sẽ chọn vị trí tái định cư đảm bảo tốt nhất cho nhân dân bị di dời.
Tại hội trường ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong phải có những biện pháp kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm phát tán ra môi trường. Trong đó, việc phun khử trùng, khử khuẩn và khử mùi hôi thối phải được đảm bảo. Ông Hùng cho biết, TP cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để Sở Xây dựng khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá việc huyện di dân ra khỏi bán kính 500m của vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn là quá chậm, trong đó có trách nhiệm của huyện Sóc Sơn. Do vậy, TP đã quyết định thành lập tổ công tác trực tiếp xử lý những vướng mắc lên quan đến khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, rất nhiều bà con nhận thức được vì hành vi chặn xe chở rác là vi phạm pháp luật. “Tôi hi vọng việc này không tái diễn nữa. Mọi kiến nghị của bà con đều được các cấp chính quyền và tổ công tác của TP tiếp thu giải quyết theo con đường đơn thư, trao đổi, đối thoại chứ không nên tiếp tục sử dụng hình thức chặn xe”, ông Phong nói thêm.