Bãi rác Nam Sơn: Biện pháp “chôn lấp” đã qua 3 đời chủ tịch

Có lẽ, phải “túm tóc trách nhiệm” cũng cần coi như một biện pháp tiên phong cho Nam Sơn, cho việc xử lý rác.

Nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã từng ca ngợi dự án xử lý rác ở Nam Sơn mang tính “tiên phong” của cả nước- đó là vào năm 2010. Kết quả là đến giờ, sau 10 năm, Hà Nội vẫn tiên phong xử lý rác theo kiểu “đi vào lòng đất” (chôn lấp).

Còn người dân Nam Sơn, với việc chặn xe rác lần thứ 15, vẫn đang phải hy sinh cuộc sống của mình.

“Hy sinh”, là từ dùng của Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ khi nói về những người dân Nam Sơn. Một sự hy sinh đáng trân trọng để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho cả thành phố.

Nhớ năm 2017, khi cơn “bão ruồi” tấn công dân Nam Sơn, cả nước choáng váng chứng kiến những hình ảnh tận khổ: Hàng triệu con ruồi bu đen nhà dân. Đến mức dân phải dùng bẫy chuột, trải rộng như chiếu. Đến mức ăn cơm phải mắc màn. Đến mức, ruồi tính bằng kg. Đúng là dân Nam Sơn đang phải hy sinh cuộc sống của mình. Và việc họ bất đắc dĩ phải chặn xe rác, có lẽ là vì không thể chịu thêm được nữa.

Nhưng chắc chắn đó chưa phải là cuối cùng khi các dự án xử lý rác vẫn đang ì ạch chậm tiến độ. Hà Nội đang thải ra 7.000 tấn rác mỗi ngày, 89% trong đó xử lý bằng cách chôn lấp. Kể ra cũng là một thứ “tiên phong”, trong bối cảnh toàn quốc 71% rác thải xử lý theo hình thức chôn lấp (số liệu từ đợt tổng rà soát, kiểm tra các bãi rác, khu xử lý trên cả nước năm 2019).

Chôn đến ngót 90% số rác thì không ô nhiễm mới lạ. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức từng cho biết: Cứ 1 m3 rác chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác.

Giải pháp xử lý bằng công nghệ đốt thì thật ra ai cũng biết.

Năm 2010, khi dự lễ khởi công nhà máy xử lý rác ở Nam Sơn, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo thậm chí còn ca ngợi đó là “dự án tiên phong” của không chỉ Hà Nội mà là của cả nước. Một dự án sẽ “giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực”...

6 năm sau đó, ngày 16.6.2016, người dân Nam Sơn lần đầu tiên chặn xe chở rác vì vướng mắc cơ chế, vì ô nhiễm không chịu nổi.

Và đến giờ, cả 4-5 dự án xử lý rác được kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT vẫn đang ì ạch. Để đến bây giờ, dân vẫn đang phải hy sinh, còn Nam Sơn như một nan đề.

Hôm qua, Bí thư Vương Đình Huệ đã rất mạnh mẽ nói về việc đùn đẩy, chưa làm tròn trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời... cả trong việc giải quyết bức xúc của dân, cả trong việc triển khai các biện pháp. Những nguyên nhân thuộc về chủ quan.

Có lẽ, phải “túm tóc trách nhiệm” cũng cần coi như một biện pháp tiên phong cho Nam Sơn, cho việc xử lý rác.

Chứ đã 3 đời chủ tịch rồi, nay hy vọng tân Chủ tịch Hà Nội sẽ không để chuyện rác đi vào ngõ cụt!