Hà Nội đốn hạ 6.700 cây xanh: "Người dân có quyền được biết"
(Dân trí) - Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Lãng phí, vội vàng là những cụm từ người dân nói về kế hoạch này.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội.
PV: Thưa ông, từng là KTS trưởng của TP. Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về quyết định chặt hạ 6.700 cây xanh của UBND TP. Hà Nội trong năm 2015 đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều?
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm: Với góc độ là một người làm quy hoạch Hà Nội và cũng là một người dân thủ đô, tôi cho rằng cây xanh hay không gian xanh là một yếu tố quan trọng tạo nên cấu trúc đô thị. Với những thăng trầm của lịch sử, ở thủ đô Hà Nội, nhiều cây xanh còn là một di sản, chính vì vậy, quyết định chặt hạ hàng loạt cây xanh như vậy của UBND TP. Hà Nội chắc chắn đã có sự tính toán kỹ.
Cũng cần phải nói thêm, đối với quy hoạch cây xanh, Chính phủ cũng đã có Nghị định 64/2010 quy định về việc quản lý và phát triền cây xanh. Trong Nghị định cũng nêu rõ cho phép chặt hạ cây xanh trong những trường hợp nào. Các cây bị chặt hạ trong thời gian gần đây đa số được viện dẫn theo điều này. Vì vậy, việc UBND TP. Hà Nội đưa ra quyết định chặt hạ là đủ cơ sở pháp lý, cần thiết cho mục tiêu thành phố xanh trong tương lai.
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đó là, trong kế hoạch lần này của UBND TP Hà Nội có sự huy động các nguồn xã hội hoá từ các doanh nghiệp. Nhưng ngoài việc cho các doanh nghiệp tham gia điều chỉnh cây xanh, UBND TP Hà Nội chưa tuyên truyền rộng rãi kế hoạch trước khi thực hiện nên dẫn đến những phản ứng trái chiều của dư luận là điều dễ hiểu. Lẽ ra, UBND TP Hà Nội hoàn toàn có thể phổ biến rộng rãi hơn nữa kế hoạch chặt hạ hàng loạt cây xanh để người dân thủ đô cùng nắm được vì theo Nghị định của Chính phủ, cộng đồng dân cư, người dân trong khu vực là các đối tượng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc cây xanh ở đường phố trước cửa nhà mình.
PV: Vừa qua, có ý kiến cho rằng, việc chặt hạ cây xanh điều chỉnh quy hoạch của thủ đô “không phải hỏi ý kiến của dân”, ông nhận định gì về ý kiến này?
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi cho rằng, việc chặt hạ cây xanh, lên kế hoạch để tạo dựng lại cây xanh đương nhiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên nghành. Nhưng chúng ta cũng phải nên hiểu rằng, khái niệm xã hội hoá ở đây không phải chỉ là việc huy động doanh nghiệp giải quyết các nguồn cây.
Người dân cũng đóng vai trò quan trọng và cần phải tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân để nhân dân góp phần tạo lập lên vai trò của mình để bảo vệ cây xanh. Theo Nghị định 64/2010 của Chính phủ cũng đã nói rõ vai trò của những người dân ở khu vực là phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Vì vậy không nên bỏ qua vai trò của nhân dân.
PV: Việc chặt hạ 6.700 cây xanh trên địa bàn thủ đô của UBND TP Hà Nội nhiều người cho rằng quá vội vàng và lãng phí khi thay thế một số lượng lớn trong một thời gian ngắn, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm: Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Thực tế, việc quy hoạch lại cây xanh ở Hà Nội là cần thiết để đi tới một thành phố xanh trong tương lai. Việc quy hoạch sẽ tạo ra cây xanh phù hợp với điều kiện khí hậu. Tạo ra đặc trưng cây xanh cho từng tuyến phố để phát huy giá trị của cây xanh. Nhưng bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch cũng phải có sự cân đối hợp lý giữa các chủng loại.
Phân loại cây xanh để xử lý có quy định rõ có cây bóng mát, có cây bảo vệ môi trường. Thậm chí phải nhìn nhận đánh giá, xác định giá trị di sản của cây xanh. Vấn đề của thành phố đang mắc phải có lẽ chỉ là do chưa tuyên truyền rộng rãi cho người dân, công bố cho các chình quyền địa phương cùng tham gia.
Trồng cây xanh được thể hiện theo quy hoạch. Đặc biệt trong thiết kế quy hoạch không chỉ có bản vẽ mà còn có các đồ án thiết kế đô thị. Đáng lẽ phải tuyên truyền rộng rãi. Không nên xem xét xã hội hoá chỉ ở góc độ doanh nghiệp mà phải có trách nhiệm của cộng đồng nữa.
Cây xanh đã được chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Dương
Cũng cần phải nhắc thêm rằng, đây không phải là lần đầu Hà Nội có những cuộc “thay máu” cây xanh. Trước năm 1954, người Pháp quy hoạch cây xanh Hà Nội khá kỹ như phố Lý Thường Kiệt trồng cây cơm nguội, phố Quán Thánh trồng hoa sữa, phố Lò Đúc trồng cây sao...
Những năm 1970, do tuổi thọ cao, không đảm bảo an toàn, các cây cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt được thay bằng phượng; hàng hoa sữa già cỗi phố Quán Thánh cũng được thay bằng loại cây khác; duy chỉ có hàng cây sao ở Lò Đúc vẫn vững vàng nên được giữ lại.
Sau đó, khi hoà bình lập lại, cách đây hơn 20 năm cũng đã có những dự án nghiên cứu về cây xanh ở thủ đô Hà Nội. Lúc đó, Sở Lâm Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Sở GTVT và Công ty một thành viên về cây xanh công viên đã có những đề tài nghiên cứu và kết luận về các loại cây xanh thích hợp với các đường phố Hà Nội chứ không phải mới.
Tôi chỉ tiếc một điều là đề tài khoa học lần này được đưa ra ứng dụng nhưng công tác tuyên truyền công khai rộng rãi để người dân cùng biết lại chưa được chú trọng nên mới xảy ra những luồng dư luận trái chiều như hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2015, TP sẽ thay thế 4.500 cây xanh không đúng chủng loại (cây cấm trồng) trên 190 tuyến phố; 2.200 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cũng cần thay thế. Đặc biệt, những cây gắn bó với Hà Nội như: dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn… thuộc diện cây cấm trồng và sẽ bị thay thế. Riêng trong quý I năm 2015, Sở Xây dựng và Công ty công viên cây xanh Hà Nội đã thực hiện chặt hạ và thay thế cây trên tuyến phố Huế- Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh. Cụ thể, phố Nguyễn Chí Thanh đã chặt 96 cây, trồng thay thế 92 cây; phố Hàng Bài chặt 12 cây, dịch chuyển 1 cây và trồng thay thế 13 cây sấu; phố Huế chặt hạ 117 cây, chuyển 11 cây và trồng thay thế 117 cây giáng hương thay thế. |
Phúc Hưng - Xuân Ngọc