Đi tìm sự thật về hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh
(Dân trí) - Sau hành trình đi tìm tên gọi chính xác của loạt cây vừa được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), PV Dân trí được một cán bộ kiểm lâm ở Yên Bái và nhiều người dân địa phương xác nhận đó là cây gỗ mỡ.
Những ngày gần đây, người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như dư luận cả nước xôn xao câu chuyện Hà Nội có chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên hàng trăm tuyến phố.
Cụ thể, vào ngày 14/3 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành trồng mới 382 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, sau khi chặt hạ nhiều cây xanh ở đây.
Theo quan sát bên ngoài, đây là loại cây có thân gỗ thẳng đứng, tán cao, rễ cọc. Tại thời điểm trồng, phía đơn vị phụ trách thông báo đó là cây vàng tâm. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số chuyên gia nghiên cứu về cây và dư luận nhân dân nêu ý kiến loại cây vừa được trồng mới để thay thế các cây cũ trên phố Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm.
Có rất nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến báo Dân trí cung cấp thông tin, đề nghị phóng viên vào cuộc đi xác minh, làm rõ nguồn gốc, nơi xuất xứ cũng như tên gọi chính xác của loạt cây mới được trồng này.
Sau hành trình dài đi tìm hiểu tại các tỉnh miền núi Tây bắc, PV Dân trí đã nhận được thông tin, loại cây mới được trồng trên đường phố Hà Nội sinh sôi, phát triển nhiều tại huyện vùng cao Văn Chấn, Yên Bái.
Tới đây, phóng viên chứng kiến bạt ngàn loại cây giống hệt cây được trồng mới nói trên, mọc chen nhau trên các sườn đồi và trên các “cánh đồng” chè. Phía dưới ngọn đồi có rất nhiều nhà dân, phía trước cửa mỗi nhà có trưng biển rao bán: hạt cây Bồ đề, cây giống, mỡ, keo, quế.
Dừng xe tại Quốc lộ 37, thuộc địa bàn huyện Văn Chấn, chúng tôi tìm vào một gia đình hỏi thăm và được gặp ông Nguyễn Đức Tịnh - một chủ vườn ươm cây, cũng là người chuyên bán buôn, bán lẻ các loại cây gỗ từ nhỏ đến lớn.
Ông Tịnh cho biết: “Anh từ Hà Nội vừa lên à? Nếu muốn mua cây gỗ mỡ thì nhà tôi cũng có nhưng hiện nay chưa có điểm tập kết. Anh cứ sang bên xã Đại Lịch, bên đó có điểm tập kết gom mua cây mỡ về Hà Nội, liên tục cả mấy tuần nay rồi. Anh cho số điện thoại và ghi số gia đình tôi, sang đó nếu cần thì tôi tìm người đi đánh cây mang sang đó nhập cho tiện xe”.
Tôi mở những hình ảnh chụp về loạt cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, được cho là cây vàng tâm, cho ông Tịnh xem, ông Tịnh nói ngay: “Đúng rồi. Đây là cây gỗ mỡ, ở đây nhiều lắm. Cách đây mấy ngày, những người dưới Hà Nội lên đây mua thân cây to về nói là trồng ở đường phố và đường cao tốc. Nhưng mấy ngày nay thì không có ai hỏi mua nữa, cũng chẳng thấy ai ngoài các anh lên đây hỏi mua cây mỡ như thế này” (?!).
Đoán biết chúng tôi chỉ hỏi thông tin chứ không mua, ông Tịnh quay vội vào nhà và nói với ra: “Anh đi sang bên xã Đại Lịch nhé, bên đó nhiều lắm”.
Theo lời người chủ vườn ươm, tôi di chuyển sang hướng xã Đại Lịch. Qua trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Lịch (Văn Chấn - Yên Bái) - được biết thời gian gần đây có những người từ Hà Nội đi xe tải lên đặt vấn đề trực tiếp với người dân về việc mua cây gỗ mỡ.
Theo ông Tuấn Anh, địa phương có rất nhiều cây gỗ mỡ, được người dân trồng nhiều không đếm xuể. Nhưng họ chỉ mua những cây cao, thân to, có cả cụm rễ với giá trung bình là 100 ngàn đồng/cây. Họ mua số lượng nhiều nên người dân phải huy động nhân lực lên đồi đánh nguyên cây để bán với giá công dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/cây.
Qua trao đổi, ông Chủ tịch xã Đại Lịch giới thiệu tôi gặp ông Tạ Quang Đoàn - Trưởng thôn 6 xã Đại Lịch - người chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu cây gỗ mỡ trên địa bàn để bán cho những người mua cây ở Hà Nội.
Ông Đoàn hướng dẫn tôi đến gặp trực tiếp ông tại ngôi nhà vườn riêng, rộng ước chừng hơn 1.000 m2 ở thôn 6 xã Đại Lịch.
Tôi mở cho ông Đoàn xem những hình ảnh tôi chụp lại về cây thân gỗ cao trên đường Nguyễn Chí Thanh. Xem xong, ông Đoàn xác nhận ngay: “Đây đúng là cây gỗ mỡ, nó được đưa từ trên vùng đất này về trồng ở dưới đó. Cây này chắc chắn không phải là gỗ vàng tâm vì vàng tâm thì chỉ trên rừng già mới có và vàng tâm không lớn nhanh như cây gỗ mỡ”.
Ông Đoàn hồn nhiên tiếp lời: "Đợt vừa rồi người dân chúng tôi có bán rất nhiều cây gỗ mỡ cho người dưới xuôi để đem về trồng. Qua quan sát những hình ảnh cây đang được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh thì chắc chắn đó là cây mỡ. Người dân chúng tôi gọi là “mỡ vàng tâm” bởi lõi của cây màu vàng, hoa màu trắng".
Vẫn tỏ ra hoài nghi, tôi hỏi ông Đoàn: “Dãy cây trên đường Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội ông có khẳng định là cây gỗ mỡ không?”. Ông Đoàn nói ngay: “Chính xác nó là cây gỗ mỡ. Còn nói rõ hơn thì dân buôn vẫn thường gọi cây này với tên gọi là cây gỗ mỡ vàng tâm. Vì, nhìn quan sát bên ngoài về thân lá, có những đặc điểm cây gỗ mỡ giống cây gỗ vàng tâm. Hơn nữa, cây gỗ mỡ này có ruột màu vàng nên gọi là mỡ vàng tâm để thuận lợi cho việc buôn bán”.
Dường như thấy tôi vẫn chưa tin hẳn, ông Đoàn dẫn tôi ra hàng cây phía trước nhà, nói rằng đây chính là cây mỡ vàng tâm. Cái khác nhau để nhận biết là cây gỗ mỡ nở hoa màu trắng; còn cây vàng tâm nở hoa màu tim tím. Hơn nữa, cây gỗ mỡ phát triển rất nhanh.
“Một cây gỗ mỡ chúng tôi trồng chỉ vài năm là có thân cao hơn 10 mét, thân to như thân cây hiện đang được trồng dưới phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Nếu anh muốn tìm gỗ vàng tâm thì phải vào rừng, nhưng bây giờ lấy đâu ra mẫu vàng tâm giống như hàng cây trồng dưới đó. Tôi khẳng định, ở đây không có cây gỗ vàng tâm đâu” - ông Đoàn cho hay.
Ông Đoàn tiếp tục kể về quá trình bán cây gỗ mỡ: "Cách đây hơn một tuần lễ, tôi được người mua đến từ Hà Nội nhờ thống kê, tổng hợp số liệu, thôn chúng tôi có bán ra được khoảng hơn 100 cây. Lúc đầu họ đến mua chỉ với giá 100 ngàn đồng/cây và tính công đào và vận chuyển ra đến ô tô thêm 100 nghìn nữa. Nhưng sau đó, dân chúng tôi kêu rẻ quá thì họ nâng giá lên thành tổng cộng 300 ngàn đồng/cây. Có nơi bán giá cây cao thì giá tiền công đào lại thấp xuống, bình quân thì cũng chỉ có giá 300 nghìn đồng/cây".
Theo ông Đoàn thì hầu hết những chiếc xe đến thu mua tại xã đều mang biển số Hà Nội và ông xác nhận có nghe những người này nói rằng mang về Hà Nội để trồng trên đường cao tốc và một số tuyến đường phố.
“Người dân chúng tôi mua bán hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ gì. Chỉ thấy ngoài kia có người đi vào trong dân hỏi, nhà nào có nhiều cây mỡ thì mua bán, thu tiền luôn. Đối với người dân chúng tôi, nếu bán những cây con như vậy chỉ được vài chục nghìn, thấy bán được giá thì chúng tôi bán ngay” - ông Đoàn trần tình.
Cũng theo lời vị này, tính đến ngày 20/3 vừa rồi, hoạt động mua bán đã bị tạm dừng, mặc dù máy cẩu vẫn còn ở đây nhưng không thấy người thu mua cây từ Hà Nội lên giao dịch mua bán cây gỗ mỡ nữa.
Liên quan đến sự việc, trao đổi nhanh với PV Dân trí, một cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn cũng đã xác nhận rằng, những cây gỗ được trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội trông giống cây gỗ vàng tâm nhưng đích thực là cây gỗ mỡ, vẫn được nhiều người dân xã Đại Lịch ươm trồng, chăm nuôi và có bán cho người từ Hà Nội mua về trồng thời gian vừa qua.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia về gỗ và lâm sản tại Bắc Ninh cho rằng, một cây gỗ mỡ to bằng những cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội giá chỉ khoảng 300.000 đồng/cây; nhưng nếu là cây vàng tâm "xịn" giá sẽ trên dưới 10 triệu đồng/cây.
PV Dân trí liên hệ phía xí nghiệp Cây xanh Hoa đô thị Hà Nội thì được một cán bộ cho biết: “Xí nghiệp tôi chỉ thực hiện công tác chặt hạ và dịch chuyển cây xanh, Thời gian qua chúng tôi đã chặt hạ được 111 cây và dịch chuyển 128 cây trên đường Nguyễn Chí Thanh về vườn ươm cầu Diễn để ươm trồng. Còn “bên kia” họ báo là trồng được 241 cây mới, nhưng không biết đó là cây mỡ hay cây gì”. Ông Hà Đình Kiên - Chủ tịch UBND xã Trấn Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) cho biết, do địa bàn xã không thuận lợi cho việc vận chuyển nên hầu như không có người dân bán cây gỗ mỡ. Trong thời gian gần đây, chỉ có các xã dọc tuyến Quốc lộ như Tân Thịnh, Đại Lịch, Cát Thịnh mới có người đến thu mua giống cây này. Ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - cho hay, địa bàn các xã Đại Lịch, Tân Thịnh, Chấn Thịnh… là địa bàn có nhiều cây gỗ mỡ do thích ứng với điều kiện thời tiết nên loại cây này được người dân phát triển trồng nhiều. “Việc người từ Hà Nội lên địa phương giao dịch trực tiếp với người dân mua cây gỗ về trồng là giao dịch cá nhân nên địa phương cũng không ngăn cấm được. Nếu có gì liên quan thì các bên mua bán sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hợp khẳng định. |
Quốc Đô