Hà Tĩnh:
50 cây cổ thụ hơn 50 năm tuổi đã được cứu như thế nào?
(Dân trí) - Hơn 50 cây xà cừ cổ thụ mang đậm giá trị lịch sử ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã được "cứu sống" diệu kỳ. Đó là thành quả của sự lắng nghe, trân trọng ý kiến người dân kết hợp với quyết sách đúng đắn, cứng rắn của chính quyền địa phương với chủ đầu tư.
Biết PV Dân trí - tờ báo đã góp sức cùng với người dân lên tiếng cứu hàng chục cây xà cừ cổ thụ trên Quốc lộ 8A, địa phận xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - tìm gặp để thông tin lại “hành trình” cứu hàng chục cây xà cừ cổ thụ của huyện nhà cách đây 3 năm, ông Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ, phấn khởi chia sẻ: “Không thể nói gì hơn ngoài hai từ tuyệt vời. Chúng tôi đã giữ lại được hàng cây có thể nói là tài sản chung của lớp lớp người dân Đức Thọ, và có thể là cả những ai từng qua địa bàn này”.
Hơn 50 cây xà cừ cổ thụ đẹp mê hồn và có ý nghĩa về lịch sử này được cứu sống "trong gang tấc", theo ông Hàm, đó là thành quả của sự lắng nghe, trân trọng ý kiến người dân kết hợp với những quyết sách đúng đắn, thậm chí là cứng rắn của chính quyền địa phương đối với chủ đầu tư.
"Năm 2012, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 8A đoạn qua TX Hồng Lĩnh lên thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) do Ban quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí 1.200 tỷ đồng được khởi công. Theo thiết kế ban đầu, hơn 50 cây xà cừ vốn được trồng từ năm 1960 hưởng ứng theo lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong diện phải chặt bỏ để lấy mặt bằng phục vụ nhà thầu thi công" - ông Hàm nhớ lại.
Theo ông Hàm, thông tin chặt bỏ hàng cây xà cừ nhanh chóng lan truyền tới người dân. “Khi máy đào, máy xúc vào những ca kíp đầu tiên cũng là lúc trên bàn làm việc (lúc đó ông còn là Chủ tịch UBND huyện - PV), máy điện thoại cầm tay của tôi bắt đầu tiếp nhận những lá đơn, những cuộc gọi khẩn thiết đề nghị điều chỉnh dự án để giữ lấy hàng cây này. Có những lá đơn, những cuộc gọi thực sự tâm huyết, đọc, nghe xong tôi đơ người vì suy nghĩ quá nhiều” – ông Hàm nói tiếp.
Một trong số những ý kiến mà ông Hàm chưa quên là của một cụ ở xóm Cầu Đôi, xã Đức Long, người đã chứng kiến sự kiện trồng cây cũng như quá trình lớn lên theo năm tháng. “Cụ ấy bảo, số cây trên đã được 50 năm tuổi. Đó là số cây có tính lịch sử rõ ràng, ghi nhiều dấu ấn trong năm tháng chiến tranh. Nhiều thế hệ con em Đức Thọ luôn xem dãy cây này là biểu tượng để so sánh sự thay đổi của quê hương trước đó và bây giờ. Không những thế, dãy cây đã trở nên thân thuộc với người dân Đức Thọ. Anh là Chủ tịch huyện, anh phải bằng mọi giá cứu lấy tài sản quý này. Chặt đi không bao giờ trồng lại được hàng cây này đâu. Ông mà để hàng cây này bị đốn hạ thì không xong với người dân chúng tôi đâu”.
Cùng thời điểm này, theo ông Hàm, nhiều thương lái gỗ đã đến huyện đề xuất muốn đấu thầu mua lại toàn bộ số cây xà cừ trên.
Trước sự quyết liệt của người dân, đích thân ông Hàm phải tổ chức nhiều cuộc họp. Làm thế nào vẫn giữ được hàng cây mà tiến độ dự án vẫn không ảnh hưởng là không hề đơn giản. Khó nhưng lãnh đạo huyện Đức Thọ vẫn quyết tâm. “Tất cả cán bộ tham gia họp đều thống nhất quan điểm của huyện là bằng mọi cách phải giữ lại hàng cây. Đó là những tài sàn quý báu mà chúng ta đang được thừa hưởng từ các bậc tiền bối. Đó là những minh chứng, là hiện vật của lịch sử. Nếu để một trong số những cây xà cừ trên bị chết là đã có lỗi với nhân dân, với các bậc tiền bối”- ông Hàm nói.
Hàng loạt buổi làm việc qua lại giữa UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và Ban quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án) cuối cùng đã đi đến thống nhất, địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư bỏ tiền dịch chuyển 2/3 số cây sang vị trí mới, đồng thời điều chỉnh nắn đường để không phải chặt bỏ số cây còn lại. “Quyết định được đưa ra chúng tôi nhẹ nhỏm hẳn. Nhưng vẫn chưa xong, chúng tôi còn kiên quyết với chủ đầu tư, chỉ trả tiền cho đơn vị nhận thầu di dời cây một khi cây trồng lại sống, nếu để cây chết là phải chịu trách nhiệm, mua với giá cao gấp 2 lần giá thị trường”- ông Hàm nói.
Dù chịu nhiều sức ép từ dự án, nhưng với trách nhiệm cao nhất, UBND huyện Đức Thọ đã cứu được hàng cây xà cừ cổ thụ vốn là một biểu tượng của địa phương
Kết quả của việc lắng nghe, trân trọng ý kiến của người dân và những quyết định đúng đắn, cuối cùng hàng chục cây xà cư "báu vật" trên Quốc lộ 8A đã được cứu sống. Những cây trong diện phải di dời đã được đơn vị nhận thầu trồng lại một cách cẩn thận, dù mới gần 2 năm nhưng cành lá đã sum suê. Con đường được nắn, được điều chỉnh vẫn đảm bảo tiến độ, thẩm mỹ. Lá phổi xanh, niềm tự hào của người dân Đức Thọ trước nguy cơ bị chặt bỏ giờ đã xanh thắm trở lại.