1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Nỗ lực cứu hàng nghìn "cây biểu tượng" của phố núi Pleiku

(Dân trí) - Có những năm, 70-80% lượng cây thông trên địa bàn TP Pleiku, Gia Lai (chiếm hơn 1.000 cây) bị bệnh dẫn đến thối hết đọt thông, nhưng thay vì chặt bỏ, cơ quan chức năng nơi đây chọn cách nỗ lực cứu cây và đã thành công.

Hiện tại, trên địa bàn TP Pleiku có 13.800 cây xanh với nhiều chủng loại, trong đó cây cổ thụ loại 3 là 183 cây với chiều cao hơn 12m, đường kính trung bình trên 50cm. Theo ông Vũ Đức Cường- Trưởng phòng Kỹ Thuật- Cty TNHH MTV Công trình đô thị TP Pleiku, hàng năm vào khoảng tháng 5, tháng 6, trên cây thông lại xuất hiện bệnh ong cắn lá thông, khiến đọt và lá non trên cây bị chết, làm cây giảm khả năng quang hợp; 7-10 ngày sau, thân cây sẽ bị đỏ và chết dần.

Quá trình tiến triển của bệnh rất nhanh, không chỉ vậy, bệnh ong cắn lá thông còn “lây lan” với tốc độ chóng mặt. Hiện trên địa bàn TP Pleiku có 1.575 cây thông, và có thể chỉ sau một vài tuần khi bệnh ong cắn lá xuất hiện thì có đến 70-80% số lượng cây bị bệnh. Nếu không được cứu chữa kịp thời thì cây sẽ chết.

Thông cổ thụ ở phố núi Pleiku
Thông cổ thụ ở phố núi Pleiku

Điều đáng nói, thông không chỉ là cây xanh bảo vệ môi trường sống của con người, mà từ lâu thông là một trong những loại cây được xem là biểu tượng khi nhắc đến phố núi Pleiku. Chính vì vậy, Công ty Công trình đô thị TP Pleiku đã tìm cách cứu chữa thành công cho cây thông. Việc này, không chỉ góp phần giúp thành phố trong xanh hơn mà hàng năm có hàng trăm cây được cứu sống cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm được nhiều chi phí trong công tác chặt bỏ và trồng mới cây.

Ông Cường chia sẻ, trong các loại cây đang trồng tại TP Pleiku thì cây thông dễ xuất hiện bệnh nhất. Vì vậy nhiều năm trước công ty đã được các cơ quan ban ngành cấp trên chỉ đạo phải tìm mọi cách để cứu sống cây. Qua một thời gian tìm tòi, công ty đã tìm ra được loại thuốc phù hợp để cứu cây. Vào mùa “dịch bệnh”, cán bộ, nhân viên của công ty thường xuyên đi kiểm tra cây, khi phát hiện bệnh ong cắn lá sẽ tiến hành chữa trị kịp thời cho cây.

Thông cổ thụ ở phố núi Pleiku
Nỗ lực chữa bệnh cho cây bởi nếu chặt bỏ, phải mất vài chục năm nữa thành phố mới có những cây to đẹp như thế này.

Việc chữa bệnh cho cây phải được thực hiện vào buổi tối từ 22 giờ đến 3 giờ sáng. Lúc này, các cán bộ, nhân viên của công ty tiến hành phun thuốc đặc trị cho cây trong vòng 7-10 ngày. Khi cây được “điều trị”, chỉ hơn 10 ngày sau bệnh đã được chữa khỏi và cây bắt đầu ra lá non.

Theo ông Cường, nhờ nỗ lực này mà những năm gần đây, chỉ những cây đã quá già cỗi, thân bị mục ruỗng và chết mới bị chặt bỏ: “Chặt một cây thì biết bao giờ mới trồng lại được một cây khác cho nó lớn như thế, chính vì thế chúng tôi luôn cố gắng tìm cách cứu sống cây”, ông Cường cho biết.

Phố núi xanh rợp bóng cây.
Phố núi xanh rợp bóng cây.

Cũng liên quan đến việc giữ cây xanh, tại QL14 (đoạn qua phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) Ban quản lý dự án đường HCM đoạn TP Kon Tum- TP Pleiku đã quyết định “nắn” đường để giữ lại một cây gạo cổ thụ.

Ông Nguyễn Ngọc Báu- Giám đốc hiện trường của Ban quản lý - cho biết, theo thiết kế ban đầu, cây gạo này sẽ bị chặt hạ để con đường chạy thẳng qua. Tuy nhiên, trước khi đơn vị thi công chuẩn bị tiến hành, nhiều người dân bày tỏ tiếc nuối và lo lắng trước việc cây bị chặt bởi từ hàng chục năm nay, với người dân nơi đây, cây gạo đã trở thành một cây cổ thụ linh thiêng trong lòng họ.

Đường được nắn cong để giữ lại cây gạo cổ thụ.
Đường được nắn cong để giữ lại cây gạo cổ thụ.

Chính vì vậy, sau khi khảo sát kỹ lại, Ban quản lý đã quyết định nắn đường để giữ lại cây cổ thụ cho nhân dân.

Thiên Thư