1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội: “Bác” đề xuất tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp

(Dân trí) - Trước sức ép của các đại biểu, đề án tăng phí, lệ phí bị tách làm 2: một là tăng phí trước bạ, cấp biển, trông giữ ô tô...; hai là phí trông giữ xe đạp, xe máy. Trong phần biểu quyết, đại biểu “bác” đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy.

Theo đề xuất của UBND thành phố, 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, ô tô dưới 9 chỗ ngồi đề xuất thu 40.000 đồng/lượt (hiện nay là 10.000 đồng/lượt). Phí trông giữ ô tô theo tháng được điều chỉnh tăng gấp đôi mức hiện tại (xe dưới 9 chỗ đề xuất tăng phí gữi từ 500.000 lên 1.100.000 đồng/lượt)…
 
Hà Nội: “Bác” đề xuất tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp - 1
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng giải thích thêm đề xuất tăng phí, lệ phí.

Phí trông giữ xe máy tại các quận, ban ngày được đề xuất tăng lên từ 3.000 đến 5.000 đồng/lượt (hiện tại 2.000 đồng); phí trông cả ngày và đêm được đề xuất tăng lên từ 8.000 đến 10.000 đồng/lượt; còn phí trông giữ theo tháng được đề xuất tăng từ 90.000 đến 120.000 đồng/tháng (mức hiện tại 45.000 đồng). Về phí trông giữ xe đạp ở các quận nội thành được UBND thành phố đề xuất tăng thêm 1.000 đồng/lượt; mức thu theo tháng là 50.000 đồng/lượt (hiện tại 25.000 đồng).

Tuy không phải là phiên chất vấn, nhưng sự bất cập của đề xuất này nhận được rất nhiều ý kiến phản biện của các đại biểu chiều ngày 8/12. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) đã tái chất vấn nhiều lần UBND thành phố về vấn đề này. Ông Nam cho rằng, việc tăng lệ phí gửi xe mà không tăng lệ phí thuê hè đường làm bãi trông giữ là điều bất hợp lý và vô hình trung đã tiếp tay cho những bãi xe.

“Tôi đồng tình việc tăng phí ở các khu nhà cao tầng. Còn thành phố đừng nói việc người trông giữ xe trên hè đường không đủ bù đắp chi phí. Tôi thấy đây là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Chính vì thế mà các bãi trông giữ xe mọc lên tràn lan”, ông Nam nói và cho rằng, nếu thành phố không thống nhất tăng loại phí hè đường thì nên tạm dừng đề xuất tăng phí lần này và để kỳ họp HĐND sau xem xét.
 
Hà Nội: “Bác” đề xuất tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp - 2
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn nhiều lần về vấn đề tăng phí.

Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Sóc Sơn) cho rằng, người đi xe đạp, xe máy hiện nay là người có thu nhập thấp. Do vậy, việc tăng giá trông giữ với đối tượng này là bất hợp lý. “Nhiều người đi lại một ngày phải gửi gần chục lần, thử hỏi nếu tăng mức phí lên 5.000 đồng/lượt chi phí một ngày cho việc gửi xe của họ mất bao nhiêu. Còn các bãi xe hiện nay không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn thu của họ rất lớn”, ông Hải nói và cho rằng, việc các bãi xe thu phí của người dân vô tôi vạ như hiện nay cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy cho rằng, lý giải của thành phố phí trông giữ xe đạp xe máy tăng không đáng kể là chưa chính xác. “Tôi tính mức tăng này là 250% đối với nội thành. Cứ cộng nhặt số tiền người dân gửi hàng tháng phải lên đến gần 400.000 đồng là rất lớn. Thử hỏi những người làm công ăn lương, người về hưu mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng thì họ lấy đâu ra tiền gửi xe. Tôi đề nghị HĐND cân nhắc lại chuyện này”, bà Thùy nói.

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác cho rằng, việc tăng phí trông giữ xe máy “bất ngờ” tăng lên đến 90.000 đồng/tháng là quá kinh khủng. “Người đi xe máy thường là những người không có điều kiện do vậy việc tăng chi phí lên vài chục nghìn mỗi tháng cũng tính toán đau đầu”, một đại biểu nói.
 
Hà Nội: “Bác” đề xuất tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp - 3
Nhiều đại biểu không đồng tình với việc tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp.
 
Trước những băn khoăn của đại biểu HĐND, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết, Ban Kinh tế ngân sách đã đề xuất việc tăng phí hè đường. Còn việc tăng phí trông giữ xe theo ông Tưởng để giải quyết hai vấn đề đó là kinh tế và xã hội. Vấn đề kinh tế đó là hỗ trợ cho những người trực tiếp thu và tăng thuế cho ngân sách nhà nước.
 
“Phí trông giữ xe tăng lên, không phải người trông giữ hưởng mà phải nộp mà sẽ điều tiết vào ngân sách Nhà nước thông qua việc xem xét doanh thu của doanh nghiệp”, ông Tưởng nói và cho biết vấn đề xã hội đó là tính đến việc hạn chế ùn tắc giao thông.

“Hiện nay thu quá thấp, các đối tượng trông giữ xe tự ý tăng cao và người gửi xe ngầm chấp nhận việc tăng giá này. Do vậy, chúng ta phải tăng giá để cơ quan nhà nước có cơ sở xem xét doanh thu nộp vào ngân sách”, phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng giải thích thêm.

Trước “sức ép” của các đại biểu, về những bất cập trong việc tăng phí trông giữ xe máy, xe đạp trên địa bàn thành phố. HĐND đã quyết định tách đề án tăng phí, lệ phí bị tách làm 2: một là tăng phí trước bạ, cấp biển, trông giữ ô tô, phí đò, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí xây dựng; hai là phí trông giữ xe đạp, máy (trước gộp trong một đề án).
 
Trong phần biểu quyết, đại biểu “bác” đề xuất tăng lệ phí trông giữ xe đạp, xe máy. Còn phí trước bạ, cấp biển và trông giữ ô tô và phí đò, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí xây dựng được các đại biểu thông qua.

Quang Phong