1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiến pháp sửa đổi nên cải thiện vị trí “công dân hạng 2” của doanh nhân

(Dân trí) - “Tầng lớp doanh nhân hiện nay là lực lượng có thế lực kinh tế, dần dà sẽ có thế lực về chính trị. Hiến pháp sửa đổi phải thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các thành phần xã hội, không thể có chuyện xếp người nắm kinh tế là những… công dân hạng 2”.

TS. Võ Trí Hảo phát biểu trong Hội thảo Sửa đổi Hiến pháp do Văn phòng Quốc hội tổ chức hôm qua, 7/12.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Vũ Đức Khiển kiến nghị sửa Điều 2 Hiến pháp 1992 về nền tảng quyền lực nhà nước là “liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức”. Ông Khiển cho rằng quy định hiện hành chưa hợp lý vì dân tộc thì tồn tại bền vững, lâu dài còn thành phần giai cấp có thể biến động.

Tầng lớp doanh nhân mới hiện nay có nhiều đóng góp song lại không thuộc "liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức". Nếu vẫn giữ nguyên quy định cũ sẽ là rào cản cho phát triển.
 
Hiến pháp sửa đổi nên cải thiện vị trí “công dân hạng 2” của doanh nhân  - 1
38 doanh nhân là đại biểu đang được đánh giá là nhân tố tạo sức lan tỏa trong Quốc hội.

Để tạo sự đoàn kết, phát huy sức mạnh của dân tộc, ông Khiển đề xuất sửa quy định này thành “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc…”.

Tán thành quan điểm này, TS. Võ Trí Hảo (ĐH Luật TPHCM) phân tích: “Lực lượng có thế lực kinh tế dần dà sẽ có thế lực về chính trị. Do đó, bản Hiến pháp sửa đổi phải thiết lập một quan hệ bình đẳng giữa các thành phần xã hội khác nhau chứ không thể có chuyện xếp ai đó đang nắm kinh tế là những công dân hạng hai”.

Để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, PGS, TS Lê Văn Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật - cho rằng cần thay đổi quy định “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội” của công dân thành “quyền quản lý nhà nước và xã hội”. Quyền quản lý nhà nước này thể hiện bằng những hình thức dân chủ trực tiếp như trưng cầu ý dân, quyết định những việc quan trọng, dân phải được biểu tình, phải được trực tiếp đối thoại với quan chức nhà nước…

Ông Vũ Đức Khiển đồng tình cho rằng, những hình thức đó cần quy định trực tiếp trong Điều 6 Hiến pháp như: Nhân dân quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước bằng việc bỏ phiếu thể hiện ý chí của mình trong các cuộc trưng cầu ý dân. Đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước phải trưng cầu ý dân và quy trình, thủ tục tổ chức thực hiện cuộc trưng cầu ý dân do luật định.

Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cũng đặt vấn đề cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để bảo đảm được quyền lực nhà nước là thống nhất, tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ.

GS Lê Văn Cảm (ĐH Quốc gia Hà Nội) góp ý, quy định về kiểm soát quyền lực là nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi lộng quyền, chuyên quyền, nhược quyền và độc đoán, quan liêu, tùy tiện của cơ quan công quyền và công chức nhà nước. Kiểm soát quyền lực góp phần tạo ra cơ chế kiểm tra và cân bằng của các nhánh quyền lực nhà nước để loại trừ sự lấn át của một nhánh quyền nào đó với các nhánh quyền lực khác.

TS Ngô Huy Đức và TS Lưu Văn Quảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất cơ chế đảm bảo kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp - hành pháp - tư pháp) một cách hữu hiệu. Theo đó, cần thiết lập một cơ chế bảo hiến và cơ chế cho phép nhánh “tư pháp” có một vị thế độc lập. Đối với Việt Nam, có thể tính đến phương án thành lập một Tòa bảo hiến độc lập.

P.Thảo