Kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV:
Cân nhắc tăng nhiều loại phí, cử tri vẫn bộn bề nỗi lo lạm thu
(Dân trí) - Sáng mai 7/12, khai mạc kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội khóa XIV. Các tờ trình về phí trước bạ, cấp biển, trông xe… tăng cao hơn mức cũ được HĐND xem xét, thảo luận. Trong khi đó, cử tri vẫn bộn bề nỗi lo về trường lạm thu, hàng bình ổn, tắc đường…
Cân nhắc thay đổi nhiều loại phí
Lệ phí trước bạ xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi đề xuất nộp lần đầu là 20% (mức đang áp dụng hiện nay là 12%). Nguyên nhân của việc đề xuất điều chỉnh là do trên địa bàn thành phố những năm gần đây phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng đủ, gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Do vậy, việc đề nghị áp dụng mức thu tối đa đi quy định với hi vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng thu ngân sách để thực hiện các dự án công cộng.
Bên cạnh đó, việc tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô cũng được tính đến. Qua quá trình kiểm tra, tại các điểm trông giữ xe tồn tại việc thu quá mức quy định. Nguyên nhân là ý thức chạy theo lợi nhuận của tổ chức, cá nhân trông giữ xe, sự quản lý chưa chặt chẽ và thường xuyên của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. UBND thành phố cho rằng cần phải điều chỉnh mức phí trông giữ xe trên địa bàn, để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng bãi đỗ xe, góp phần tăng diện tích trông giữ, giảm áp lực thiếu bãi đỗ trên địa bàn.
Cụ thể, ở bốn quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, ô tô dưới 9 chỗ ngồi đề xuất thu 40.000 đồng/lượt (hiện nay là 10.000 đồng/lượt). Phí trông giữ ô tô theo tháng được điều chỉnh tăng gấp đôi mức hiện tại (xe dưới 9 chỗ đề xuất tăng phí gữi từ 500.000 lên 1.100.000 đồng/lượt). Phí trông giữ xe đạp, xe máy không tính theo địa bàn và được điều chỉnh tăng không quá cao so với mức hiện tại.
Ngoài việc điều chỉnh mức phí trên, trong kỳ họp HĐND lần này, các phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí đi đò vào chùa Hương cũng được đề xuất tăng lên. Đối với người lớn, phí tham quan Chùa Hương là 49.000 đồng/lượt (mức cũ 29.500 đồng/lượt). Trẻ em, người cao tuổi mức phí thu bằng 50% mức hiện hành.
Hàng bình ổn “không ổn”
Trong bản kiến nghị trước kỳ họp cử tri nhiều các quận Thanh Xuân, huyện Từ Liêm và Mê Linh cho rằng, hiện thành phố đành một khoản lớn kinh phí cho chương trình bình ổn giá phục vụ an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu tập trung ở nội đô, nên nhân dân ở các khu vực nông thôn - ngoại thành không tiếp cận được sự hỗ trợ này.
“Thực tế một số điểm bán hành bình ổn giá của thành phố niêm yết giá cao hơn thị trường. Đề nghị UBND thành phố xem xét, có cơ chế chính sách và đổi mới cách tổ chức thực hiện để người nông thôn được hưởng một phần sự ưu đãi của thành phố”, cử tri 3 quận huyện trên kiến nghị.
Ngoài ra, cử tri huyện Ứng Hòa còn kiến nghị thành phố có chính sách trợ giá trực tiếp cho người sản xuất ra hàng hóa và người lao động có thu nhập thấp, không nên trợ giá cho các siêu thị. “Những công nhân, nông dân, lao động thu nhập thấp không có điều kiện để thường xuyên vào các siêu thị mua hàng. Mặt khác việc hỗ trợ trực tiếp còn có tác dụng thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn”, cử tri huyện Ứng Hòa cho hay.
Ngoài nỗi lo trên cử tri các quận huyện của thành phố cũng băn khoăn về tình trạng nhiều trường học lạm thu. Cử tri quận Hoàng Mai đề nghị thành phố có biện pháp kiểm tra, chỉ đạo kịp thời ngay từ đầu năm đối với các khoản phí của các trường học trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, cử tri Thanh Oai, đề nghị thành phố nghiên cứu có mức thu học phí khác nhau đối với các trường ở nông thôn và ở thành phố cho phù hợp vì hiện nay vẫn thu mức theo quy định của Hà Tây cũ.
Quang Phong