DMagazine

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập

(Dân trí) - Trưa 30/4/1975, xe tăng 843 đến trước hàng rào Dinh Độc Lập, húc vào cổng bên phải. Ngay sau đó, Trung úy Bùi Quang Thận, trưởng xe đã chạy lên tầng thượng Dinh Độc Lập cắm cờ giải phóng.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 1
Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 3

Những ngày này, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam nằm trên Đại lộ Thăng Long (địa chỉ km6+500 Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đón hàng vạn du khách đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử.

Du khách đến đây, thường dừng chân lâu hơn ở khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đặc biệt là nơi trưng bày chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843. Chiếc xe tăng này được Thủ tướng ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, ngày 1/10/2012.

Đại tá Lê Xuân Tạo (quê Thanh Hóa) cùng đồng đội vượt hơn 100km đến Thủ đô để thăm Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Khi lại gần Bảo vật quốc gia - chiếc xe tăng T54 số hiệu 843, ông không khỏi bồi hồi, xúc động, xen lẫn tự hào. Ông tâm sự, được nhìn ngắm, chạm vào những hiện vật, khí tài đã cùng bộ đội ta chiến đấu như được sống lại những ngày tháng hào hùng.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 5

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Tạo tham gia chiến đấu tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 66 (Lữ đoàn xe tăng  202, Quân đoàn 1) với vị trí Trưởng xe 434.

"Nhận được mệnh lệnh chiến đấu, ai trong chúng tôi cũng sẵn sàng, bằng giác quan của người lính, chúng tôi cảm nhận được ngày chiến thắng, ngày đất nước hòa bình không còn xa nữa.

Sĩ khí dâng cao, chúng tôi vượt qua Tân Uyên, một trận địa phòng ngự vòng ngoài trong tuyến phòng thủ của quân Ngụy phía Bắc Sài Gòn đến Lái Thiêu, vượt qua cầu Vĩnh Bình nhằm tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thắng lợi lớn nhưng mất mát cũng nhiều…", cựu trưởng xe tăng 434 tâm sự.

Ông cho biết thêm, khi bộ đội ta tiến đánh địch ở cầu Vĩnh Bình đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch. Cách cầu chỉ khoảng 2km, ngụy bố trí hàng chục xe tăng, thiết giáp, pháo binh cùng nhiều điểm hỏa lực kiên cố, hệ thống hầm hào, công sự, tuyên bố "tử thủ", chặn bước tiến quân ta.

Trước hỏa lực của địch, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã ra khỏi xe thiết giáp K63 chỉ huy bộ binh tấn công các cứ điểm, lô cốt đầu cầu, cùng lực lượng xe tăng chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, mở đường tiến vào Sài Gòn.

Trong trận chiến này, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh và được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 12/9/1975, Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 7

Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, được cùng đồng đội đến thăm Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, ngắm nhìn những kỷ vật của chiến tranh, trong đó có nhiều vũ khí sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã khiến Đại tá Lê Xuân Tạo vô cùng xúc động.

 "Chúng tôi ngày ấy không sợ khó, không sợ khổ, không sợ hy sinh nhưng rất sợ một ngày nào đó không được ai nhớ đến. Nhưng hôm nay ở đây, được tận mắt chứng kiến, không chỉ có những người cựu binh mà còn rất đông phụ huynh dắt theo con nhỏ, các cháu thanh niên đến ôn lại lịch sử chúng tôi rất mừng", ông Tạo xúc động nói.

Đại tá Tạo bộc bạch, đối với những cựu binh niềm vui là được chứng kiến những đồng đội trở về còn khỏe mạnh, những người đã mất ở chiến trường được về với gia đình, các vũ khí chiến đấu được lưu trữ, bảo quản, trưng bày trong bảo tàng để giáo dục thế hệ trẻ sau này.

"Tuy không cùng đơn vị chiến đấu với xe tăng 843 nhưng khi chiếc xe được công nhận là Bảo vật quốc gia tôi rất đỗi vui mừng, tự hào. Tự hào vì chiếc xe tăng của lịch sử đã được Nhà nước ghi nhận, trưng bày ở nơi trang trọng của bảo tàng", Đại tá Tạo chia sẻ.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 9

Trong hồ sơ Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, lịch sử và những chiến công của xe tăng T54B số hiệu 843 dài tới 10 trang giấy.

Theo đó, xe tăng 843 có chiều dài khi tính  pháo ở phía trước là 9m, chiều dài thân xe 6,2m, chiều rộng 3,27m, chiều cao xe có súng 12,7mm,... trọng lượng 36 tấn. Xe tăng T54B số hiệu 843, là loại xe tăng hạng trung do Liên Xô (cũ) chế tạo, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Trên tháp pháo có gắn súng 12,7mm, hai bên tháp pháo có sơn ngôi sao vàng trên nền vòng tròn đỏ, viền vàng.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 11

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/2/1975, xe tăng số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã dẫn đầu đội hình thọc sâu đánh chiếm Phủ tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975, góp phần cùng với quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày 30/4/1975, Đại đội 4 trong đó có xe tăng T54B mang số hiệu 843 được lệnh ra tiếp quản cảng Nhà Bè (nay là cảng Nhà Rồng).

Ngày 4/5/1975, xe tăng số hiệu 843 hành quân về tổng kho Long Bình. Ngày 12/5/1975, xe tăng số hiệu 843 được đưa đi triển lãm ở Thủ Đức và sau đó đưa ra Bắc tham dự triển lãm chào mừng Ngày Thống nhất đất nước tại Giảng Võ, Hà Nội.

Kết thúc triển lãm xe tăng mang số hiệu 843 được đưa về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn xe tăng 203.

Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/1979), xe tăng số hiệu 843 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) và được công nhận Bảo vật quốc gia đợt 1, ngày 1/10/2012.

Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành xác minh, gặp gỡ các nhân chứng có liên quan trực tiếp đến hiện vật (có bản xác minh hiện vật kèm theo). Các nhân chứng đều khẳng định đây là hiện vật gốc có giá trị lịch sử đặc biệt ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đầu tháng 3/2011, kíp xe tăng số hiệu 843 có dịp gặp nhau bên chiếc xe tăng số hiệu 843 tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 13

Năm 1995, khi nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder đã chụp được 2 kiểu ảnh thời khắc hai xe tăng 843 và 390 húc vào 2 cổng Dinh Độc Lập sang Việt Nam và đến Bảo tàng LSQSVN tìm hiểu thêm về sự kiện ngày 30/4/1975, trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng miền Nam, các lính tăng cũng có dịp gặp lại nhau cùng 2 chiếc xe tại sự kiện này và họ đều rất xúc động.

Tại lần gặp tháng 3/2011, những người lính xe tăng năm nào cũng không khỏi bồi hồi khi gặp lại chiếc xe đã cùng mình và đồng đội chiến đấu lập chiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kíp xe đều công nhận và khẳng định đây chính là chiếc xe thân yêu của mình vì trên xe vẫn còn in lại dấu tích như: Vết xước của núm nhựa chiếc cần lái bên tay phải do lái xe là Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam) va phải khi thay băng đạn đại liên; lá chắn bùn phía đuôi xe bị biến dạng khi quay xe đi trong rừng Trường Sơn; vết lõm phía đầu xe có đường kính khoảng 3cm, sâu 1cm.

Đây là vết đạn địch bắn nổ trước đầu xe gây ra vết lõm, làm pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ bị thương khi anh đang sử dụng súng 12,7mm bắn bộ binh địch ở căn cứ Nước Trong, Long Thành ngày 28/4/1975. 

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 15

Đại tá Bùi Quang Thận, nguyên Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp Quân đoàn 2, Trưởng xe tăng số hiệu 843 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chiếc xe tăng số hiệu 843 đang trưng bày ở Bảo tàng LSQSVN được điều về Bảo tàng năm 1979, là chiếc xe nguyên bản.

Xe tăng 843 là hiện vật gốc, quý hiếm có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, ghi dấu chiến công to lớn của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, xe tăng số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 (Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 từ tháng 5 năm 1974).

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 17

Trong đội hình của lữ đoàn, xe tăng số hiệu 843 hành quân tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn sau khi vượt qua gần 1.000km với tinh thần "thần tốc và quyết thắng".

Ngày 24/4/1975, Lữ đoàn 203 gồm 75 xe tăng, thiết giáp đã vào vị trí tập kết ở đồn điền Ông Quế cách Sài Gòn 100km về phía Đông. Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, sẵn sàng nhận lệnh bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lúc này, kíp xe tăng T54B mang số hiệu 843 gồm có Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 kiêm trưởng xe; Hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, lái xe; Trung sĩ Thái Bá Minh, pháo thủ số 1; Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ, pháo thủ số 2.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ở mặt trận phía Đông, xe tăng số hiệu 843 nằm trong đội hình lực lượng đánh thọc sâu gồm có Lữ đoàn 203, 1 trung đoàn thuộc sư 304, 1 Tiểu đoàn pháo bắn thẳng (số 85 thuộc Trung đoàn pháo hỗn hợp 68), 1 tiểu đoàn pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 68, đội công binh thuộc Lữ công binh 219.

Nhiệm vụ trước mắt của lực lượng thọc sâu là đánh thẳng vào Sài Gòn, chiếm Phủ Tổng thống Ngụy quyền và các mục tiêu quan trọng của địch. Từ ngày 26 đến ngày 29/4/1975, xe tăng số hiệu 843 tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở căn cứ Nước Trong.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 19

14 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, xe tăng 843 cùng lực lượng thọc sâu của Lữ đoàn 203 được lệnh xuất phát tiến công theo trục đường 15 tiến về xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, vừa tiến vừa đánh địch.

9 giờ ngày 30/4/1975, lực lượng thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn. Tại đây, trận chiến đấu diễn ra ác liệt, quân địch cố thủ dùng xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến bắn chặn đội hình tiến công của ta.

Tiểu đoàn tăng 1 phải triển khai đội hình đánh địch trên cầu và bắn tàu chiến dưới sông. Các đơn vị đi đầu của ta bị tổn thất phải dạt sang hai bên đường, Xe tăng số hiệu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận làm Đại đội trưởng được lệnh vượt lên đánh địch cùng Đại đội tăng 4 nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn, chớp thời cơ thọc sâu, tiến đến cầu Thị Nghè.

Tại đây, xe tăng ta lại gặp xe tăng, thiết giáp địch ra chặn. Xe tăng 843 đã nhanh chóng nổ súng, bắn cháy hai xe M41 và một xe M113 của địch rồi vọt lên vượt qua cầu Thị Nghè, dẫn đầu đội hình nhanh chóng tiếp tục tiến vào thành phố.

Vượt qua ngã tư Hàng Xanh, xe tăng số hiệu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe mở hết tốc lực truy kích địch đang tháo chạy, dẫn đầu đội hình tiến công tiến thẳng đến Dinh Độc Lập (tiến theo đường Lê Duẩn ngày nay).

Xe tăng 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Độc Lập, húc vào cổng bên phải (từ trong Dinh Độc Lập nhìn ra), xe bị mắc kẹt, dừng lại. Ngay lập tức, Trung úy Bùi Quang Thận rời xe tăng, chạy lên tầng thượng Dinh Độc Lập cắm cờ giải phóng.

Ngay lúc đó, xe tăng số hiệu 390 lao lên húc cổng giữa tiến vào sân, xe tăng số hiệu 843 lùi lại theo cổng chính tiến vào luôn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/975, đánh dấu thời điểm Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 21

Xe tăng T54B mang số hiệu 843 đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch có ý nghĩa quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm của dân tộc ta, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, nhân dân ta bước vào thời kỳ phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 (từ tháng 5/1975), tiền thân là Trung đoàn 203 - Trung đoàn xe tăng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 22/6/1965 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp. Tháng 6/1973, Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân khu Trị Thiên gồm 3 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn xe thiết giáp.

Lữ đoàn xe tăng 203 đã đánh thắng trận đầu ở Tà Mây - Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, năm 1968. Lữ đoàn đã tham gia các chiến dịch như: Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972).

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 23

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30/4/1975) Lữ đoàn 203 đã dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, cùng đơn vị bạn bắt toàn bộ thành viên nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975.

Lữ đoàn xe tăng 203 được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 9/1975. 

Theo Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, quá trình đưa xe tăng T54B số hiệu 843 vào vị trí trưng bày hiện tại là một kỳ công của các lực lượng, bằng nhiều biện pháp khoa học; biết trọng lượng xe lớn nên hệ thống dầm cột bê tông được tính toán, tăng cường đủ để chịu sức nặng tới 40 tấn của chiếc xe tăng đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Quá trình di chuyển xe tăng từ Bảo tàng tại 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội xuống Bảo tàng mới tại phường Đại Mỗ, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng thật thú vị.

Mặc dù tại vị trí trưng bày cũ từ năm 1995, đã gần 30 năm trôi qua nhưng khi di chuyển đến vị trí mới, xe tăng 843 vẫn nổ máy được trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Con "cua sắt" T54B số hiệu 843 vẫn có thể tự di chuyển lên bục trưng bày hiện nay sau khi được những chiến sĩ Tăng thiết giáp xử lý kỹ thuật.

Về quá trình bảo quản hiện vật xe tăng T54B số hiệu 843, Thượng tá Đào Duy Nam, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, quy trình bảo quản và bảo trì xe gồm nhiều bước kỹ thuật nhằm duy trì hiện vật ở trạng thái tốt nhất và kéo dài tuổi thọ hiện vật.

Giây phút lịch sử, trưởng xe tăng 843 cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - 25

Trong đó, việc kiểm tra tổng quát được tiến hành thường xuyên; xác định tình trạng chung của xe tăng, bao gồm lớp vỏ giáp, động cơ, hệ thống vũ khí và hệ thống điện; ghi nhận sự xuống cấp, các lỗi hư hỏng hoặc dấu hiệu hao mòn cần xử lý trước khi bảo quản.

Định kỳ, xe tăng T54B số hiệu 843 sẽ thực hiện quy trình bảo quản trị liệu, làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, bùn đất, cặn khoáng, bụi bẩn các chất ăn mòn bám trên vỏ giáp, bánh xích và các bộ phận khác; làm sạch nòng pháo, cơ cấu khóa nòng và hệ thống vũ khí để ngăn gỉ sét; vệ sinh bằng các biện pháp cơ học và hóa học; xử lý oxy hóa, chống ăn mòn kim loại, phủ lớp bảo vệ bề mặt cho các nhóm chất liệu là hợp kim nhôm, hợp kim sắt thép và đồng,...

Đồng thời, Bảo tàng cũng tiến hành xử lý chống lão hóa các chất liệu cao su và các hợp chất hữu cơ của các bộ phận xe tăng; gia cố, phục hồi các chi tiết, bộ phận có kết cấu yếu, lão hóa, xử lý các lớp sơn bị bong tróc; củng cố những bề mặt cong vênh, phục hồi số hiệu, phù hiệu của xe tăng.

Bảo tàng thực hiện kiểm tra xe tăng thường xuyên, vệ sinh làm sạch bụi bẩn và cặn bám phát sinh trong quá trình lưu giữ, định kỳ 3 đến 6 tháng có đánh giá tình trạng tổng thể để có phương án xử lý kịp thời.

Nội dung: Nguyễn Hải, Trần Văn

Thiết kế: Patrick Nguyễn