Giáo viên được điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập?
(Dân trí) - Trong nhiều quyền của nhà giáo được dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, trong lĩnh vực phát triển khoa học.
Sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8
"Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội", ông Vinh nói.
Thông tin cụ thể nội dung về quyền của nhà giáo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.
![Giáo viên được điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập? - 1 Giáo viên được điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/0YtlgNYdDMFHp_Pn28Df0PvjREc=/thumb_w/1020/2025/02/07/202502070816040046dsc1652-1738893271541.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Hồng Phong).
Cơ quan thẩm tra viện dẫn Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục đại học được phép thành lập doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng, viên chức không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, ông Vinh cho biết cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Cụ thể, dự thảo luật nêu rõ nhà giáo được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo quy định tại Điều 15, nhiều ý kiến tán thành quy định giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan được phân cấp, ủy quyền tuyển dụng; có ý kiến đề nghị rà soát kỹ quy định để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với các luật liên quan.
Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục nhận định việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết, vừa đảm bảo tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật lần này được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.
Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình (khoản 2 Điều 14).
Việc chỉnh lý như trên, theo ông Vinh, khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động.