"Nhà giáo không được nói ngọng, cần có ngôn ngữ trong sáng"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nêu thực tế nhiều nhà giáo nói không chuẩn ngôn ngữ, có thể ảnh hưởng đến học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Nhà giáo không được nói lắp, nói ngọng
Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, dự luật quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo; đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể hiện rõ chính sách này.
Về bảo đảm số lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nêu thực tế, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2022-2023 cả nước vẫn còn thiếu hơn 100.000 giáo viên đối với cấp học phổ thông.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Tổng cục Thống kê đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm hơn 358.000 giáo viên. Do vậy, đại biểu cho rằng dự Luật Nhà giáo cần có những chính sách để đảm bảo về số lượng nhà giáo.
Hiện nay, ngành sư phạm đã có điểm sàn. Để đảm bảo chất lượng giáo viên, bà Dung cho rằng nhà giáo khi đứng trên lớp phải thể hiện được nội dung trong giảng dạy và hình thức.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu chính sách đảm bảo chất lượng về sơ tuyển với ngành sư phạm, trong đó có hình thức, điểm học lực và quan trọng hơn nữa là ngôn ngữ nhà giáo trong sáng, không nói lắp, nói ngọng.
"Tôi là nhà giáo, cũng thấy được trong ngành có nhà giáo nói không chuẩn ngôn ngữ, ảnh hưởng đến học sinh, đặc biệt học sinh mẫu giáo, tiểu học là những em đang trong quá trình hình thành chuẩn ngôn ngữ", bà Dung cho biết.
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn các chính sách để đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng của nhà giáo.
Nhà giáo chưa được bảo vệ xứng đáng từ xã hội
Góp ý về vấn đề tuyển dụng, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nêu thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, việc tuyển dụng nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thậm chí có những địa bàn không tuyển dụng được giáo viên.
Đại biểu đề nghị cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, phân cấp, phân công hợp lý để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo.
Đồng thời, bà Sương cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định về bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng.
Đồng thời cần có chế độ bảo vệ, hỗ trợ phục hồi đối với nhà giáo bị ảnh hưởng từ các hành vi xâm hại, bạo lực; cần rà soát, điều chỉnh quy định về những việc không được làm của nhà giáo.
Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.