1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải pháp để TPHCM tránh bù lỗ cho các tuyến metro

Q.Huy

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, TPHCM có tham vọng khi đặt mục tiêu làm nhiều tuyến metro trong 10 năm. Tuy nhiên, nếu mô hình TOD không phát triển tốt, thành phố có thể phải tốn hàng triệu USD mỗi năm để bù lỗ.

Sáng 8/2, Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 tổ chức phiên họp lần thứ 6 nhằm đánh giá kết quả hoạt động sau 18 tháng, thảo luận và tìm kiếm giải pháp để TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Buổi làm việc có sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong tổ tư vấn của thành phố.

Tại hội nghị, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) khi thực hiện tốt sẽ trở thành nguồn lực rất lớn để TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Hiện tại, việc phát triển mô hình này vẫn là thách thức đối với TPHCM.

"Thành phố có tham vọng làm hàng trăm km đường sắt đô thị chỉ trong khoảng một thập niên. Khi nhìn lại tuyến Metro số 1 cần gần 20 năm thì mục tiêu này là thử thách rất lớn", KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.

Giải pháp để TPHCM tránh bù lỗ cho các tuyến metro - 1

KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý tại buổi làm việc (Ảnh: Q.Huy).

Chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, mô hình TOD sẽ là lời giải cho bài toán trên, giúp thành phố thu hút nguồn lực, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, mô hình TOD để phát huy hiệu quả thì cần một hệ sinh thái đi kèm, đặc biệt là các hạ tầng kết nối, giao thông công cộng.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, một trong những vấn đề tiên quyết để hệ thống metro phát huy hiệu quả là một nền tảng mạng lưới xe buýt bao trùm toàn địa bàn, kết nối đa phương tiện từ sân bay, cảng biển đến đường sắt, đường thủy…

"Chúng ta rất quyết tâm, kỳ công để thực hiện hàng trăm km metro. Tuy nhiên, nếu không phát triển tốt mô hình TOD thì thành phố có thể phải tốn hàng triệu USD hàng năm để bù lỗ, duy trì hoạt động cho nó. Khi các dự án trong vùng ảnh hưởng TOD được thực hiện tốt, hiệu quả kinh tế sẽ sớm tới", KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Ông Ngô Viết Nam Sơn lấy ví dụ, tuyến Metro số 1 đang đi đúng hướng khi nối khu vực nội thành với một khu vực có tiềm năng phát triển là khu Đại học Quốc gia, Khu du lịch Suối Tiên và kéo dài lên Biên Hòa. Khi mô hình TOD phát huy hiệu quả, 2 đầu của tuyến Metro số 1 sẽ thu hút dân cư, kéo theo các hoạt động, tạo động lực lưu thông cho toàn tuyến.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 đã tạo điều kiện để TPHCM thực hiện các dự án theo mô hình TOD; tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật khác cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Các quy định này liên quan công tác đền bù, giải tỏa, đấu giá, xác định ranh giới, vùng ảnh hưởng, công tác quy hoạch…

"Nếu không có nền tảng quy định pháp luật rõ ràng, thành phố sẽ quay lại cảnh mỗi lần làm đều phải xin, trở lại câu chuyện 20 năm làm một tuyến metro như trước đây", KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ rõ.

Giải pháp để TPHCM tránh bù lỗ cho các tuyến metro - 2

Tuyến Metro số 1 TPHCM đang kết nối khu vực nội thành với một khu vực có tiềm năng phát triển ở TP Thủ Đức (Ảnh : Nam Anh).

Về nguồn lực, vị chuyên gia chia sẻ, để phát triển hệ sinh thái TOD, thành phố cần đến hàng tỷ USD để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Trái lại, khả năng sinh lời của mô hình rất cao và chắc chắn hoàn vốn, đem lại lợi ích cho kinh tế - xã hội.

Do đó, Trung ương cần tạo điều kiện, hỗ trợ TPHCM một phần kinh phí để làm cùng lúc nhiều tuyến metro, phát triển mô hình TOD. Việc của TPHCM là làm rõ kịch bản về điểm hoàn vốn, thời điểm bắt đầu tạo ra đóng góp cho kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, tìm giải pháp để thu hút thêm nguồn lực đầu tư xã hội.

Về mặt con người, TPHCM cần xác định rõ vấn đề về nhà đầu tư chiến lược, nhân sự vận hành đồng thời nhiều tuyến metro theo đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. KTS Ngô Viết Nam Sơn đưa ra giải pháp TPHCM có thể hình thành tập đoàn TOD trên nền tảng một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực, chung sức về tài chính, nghiên cứu, quản lý để đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả.

"Song song với việc chuẩn bị đầu tư hàng chục tuyến metro, TPHCM cần suy nghĩ về công tác chuẩn bị nhân sự để đảm bảo công tác vận hành, bảo trì. Thành phố cần sự hợp tác, bắt đầu đào tạo từ nay", KTS Ngô Viết Nam Sơn góp ý.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM