Giải ngân vốn đầu tư công chậm làm "nóng" phiên họp HĐND tỉnh Đắk Lắk
(Dân trí) - Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công rất chậm trễ, thậm chí có đơn vị không chịu giải ngân, tỉnh Đắk Lắk sẽ xem xét để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị này.
Nhiều đơn vị "chưa chịu" giải ngân vốn đầu tư công
Ông Đinh Xuân Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đắk Lắk đã có phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 về vấn đề chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Đắk Lắk thuộc nhóm những tỉnh trong cả nước giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất cả nước. Kế hoạch đầu tư công năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý là hơn 614 tỷ đồng.
Tính đến ngày 13/9/2022, tỉnh mới giải ngân hơn 85,4 tỷ đồng, tương đương 13,9% kế hoạch. Vốn đầu tư công năm 2022 đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch gần 3.511 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị đã giải ngân gần 910 tỷ đồng chỉ đạt 26% kế hoạch.
Có 6 đơn vị giải ngân 0%, 9 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh 26%, có 4 đơn vị giải ngân dưới 10%, 5 đơn vị giải ngân dưới 26% và 18 đơn vị giải ngân trên mức bình quân chung của tỉnh 26% kế hoạch.
Trong tổng số nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 409,665 tỷ đồng, đến nay chỉ mới giải ngân được trên 67 tỷ đồng, đạt 16,5% kế hoạch.
Còn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 1.124 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 99 tỷ đồng chỉ đạt 8,8% kế hoạch.
Riêng, các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 là 1.976 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 746 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch.
Làm rõ trách nhiệm
Theo ông Đinh Xuân Hà, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công do hiện có những dự án triển khai năm 2022 nhưng đến nay chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, do đó chưa thể thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo theo việc không thể giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng việc chậm trễ giải ngân còn do thủ tục phê duyệt, thủ tục đấu thầu, nhất là các dự án nhóm B và mặc dù tình hình thấp nhưng thường quy luật lại dồn vào các tháng cuối năm mới giải ngân được.
Theo ông Hà, nhiều ý kiến cho rằng việc giải ngân chậm do có quá nhiều dự án đầu tư công đều tập trung vào các ban quản lý (BQLDA) của tỉnh và của TP Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, khi làm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2020-2021, đã căn cứ vào các quyết định của UBND tỉnh về phân cấp đơn vị làm chủ đầu tư, cũng như căn cứ vào năng lực xếp hạng của các ban quản lý dự án trên địa bàn để bố trí.
Giám đốc Sở KH-ĐT lý giải, BQLDA tỉnh năng lực xếp hạng ở nhóm 2, BQLDA huyện nhóm 3 nên các dự án có quy mô lớn sẽ giao cho các ban tỉnh thực hiện, còn TP Buôn Ma Thuột chủ yếu triển khai 2 dự án lớn chuyển tiếp từ giai đoạn trước có vốn lớn chứ không phải phân cấp.
Cụ thể, đối với các dự án có tổng mức đầu tư trên 45 tỷ sẽ được giao cho BQLDA tỉnh, dưới 45 tỷ đồng sẽ giao BQLDA huyện, riêng TP Buôn Ma Thuột cơ chế dưới 100 tỷ chủ yếu tại các dự án mới phát sinh.
"Giải pháp năm 2023, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tập trung giải quyết những vướng mắc đã tồn tại trong năm 2022 về vấn đề giải ngân. UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư thấp để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan", ông Hà nhấn mạnh.