1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gia đình nạn nhân Lê Hoàng Nam căng thẳng chờ tin người thân

(Dân trí) - Hôm qua, đoàn hỗ trợ báo Dân trí đến thăm nạn nhân Lê Hoàng Nam, một trong ba trường hợp bị thương nặng nhất trong vụ sập cầu Cần Thơ, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ (BVĐKTW Cần Thơ). Vẻ hốc hác của người cha, vẻ rũ rượi của người mẹ khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Cha mẹ chờ con

 

Anh Lê Hoàng Nam vẫn chưa qua khỏi cơn nguy kịch, khả năng sống sót là rất thấp. Anh bị vỡ nội tạng, mất nhiều máu, đứt thanh quản. Sáng ngày 30/9 tập thể Bác sỹ BVĐKTW Cần Thơ tiến hành nội soi cho anh Nam. Các y bác sỹ BVĐKTW Cần Thơ sẽ phẫu thuật, tiếp tục điều trị, cố gắng giành lại mạng sống cho anh Lê Hoàng Nam.

 

Hay tin các con bị nạn trong vụ sập cầu rồi được chuyển đến cấp cứu và điều trị tại BVĐKTW Cần Thơ, cha mẹ anh Nam - ông Lê Thành Khải (59 tuổi) và bà Trương Thị Thiệu (55 tuổi) - nhanh chóng tìm đến bệnh viện nghe ngóng tin tức các con. Khi bác sỹ đưa quần áo ra thì ông bà mới hay người con là Lê Hoàng Nam bị thương nặng đang nằm trong phòng cấp cứu. Người con khác của ông Khải là Lê Hoàng Quốc Việt hiện nay xác vẫn chưa được đưa ra khỏi đống đổ nát.

 

Sáu ngày trôi qua sau vụ sập cầu, người cha gầy gò ấy vẫn ngồi trước Khoa cấp cứu hồi sức BVĐKTW Cần Thơ, từng giờ từng phút mong ngóng người con được bình phục, trở về với gia đình, chất thêm nỗi đau thương, mất mát khi người con trai Lê Hoàng Quốc Việt vẫn chưa tìm thấy xác.

 

Gia đình nạn nhân Lê Hoàng Nam căng thẳng chờ tin người thân - 1

Tập thể bác sỹ Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ đang nội soi cho bệnh nhân Lê Hoàng Nam.

 

 

Vợ chờ chồng

 

Gia đình anh Lê Hoàng Nam có hai đứa con nhỏ. Đứa đang học mẫu giáo, đứa bập bẹ tiếng cha. Không có đất chỉ có một ngôi nhà lá là chỗ nương thân, gia đình anh sống nhờ vào tiền công nhật, mỗi ngày 50 ngàn đồng. Cuộc sống bữa cháo bữa rau, chật vật, vất vả.

 

Hay tin chồng bị thương nặng trong vụ sập cầu thảm khốc 26/9, chị Lê Thị Út Nguyễn (vợ anh Lê Hoàng Nam) như người mất hồn. “Bủn rủn tay chân, không đi nổi, chỉ biết bò đến bệnh viện”- bình tĩnh chị kể lại. Chị ngồi chờ trước phòng cấp cứu suốt mấy ngày liền mới thấy mặt chồng. “Bàng hoàng, sửng sốt trước thân thể đầy thương tích của anh Nam. Chỉ nhận được chồng khi bác sỹ đưa ra bộ quần áo của anh ấy” - chị Nguyễn kể.

 

Chị chạy qua Cần Thơ rồi chạy về Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long). Vừa theo dõi tình trạng người chồng, vừa chăm sóc hai đứa con dại. Giờ đây, gương mặt của người phụ nữ mới 23 tuổi này trông hốc hác với những nếp nhăn, quầng thâm hằn sâu trên đôi mắt.   

 

Anh Nam nằm viện không biết sống hay chết. May mắn có thể sống, nhưng khi trở về là một người thương tật, mất sức lao động. Một người phụ nữ yếu đuối phải gánh vác cả gia đình, liệu chị Nguyễn có đảm đương nổi? Cuộc sống gia đình lấy gì là bảo đảm. Việc học của các con không gì là chắc chắn!

 

Trẻ thiếu cha

 

Hai đứa trẻ con anh Nam là Lê Minh Khôi (6 tuổi), đang học mẫu giáo và Lê Minh Khoa (3 tuổi) mới chạy bước đầu tiên.

 

Cha bị thương nặng, mẹ cho Khôi nghỉ học. Khôi và Khoa phải đến ở nhờ nhà của dì, để mẹ đi nuôi cha đang nằm viện. Việc học giờ đây không còn quan trọng với mẹ con chị Nguyễn. Rồi đây cơm, áo, gạo, tiền…vây quanh mẹ con chị. Khôi và Khoa có còn tiếp tục đi học hay phải sớm vào đời để kiếm miếng ăn?! 

 

Bài và ảnh: Nguyễn Nhi