1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia đình 8 người mang án oan suốt 40 năm: Những nỗi đau không thể nói hết bằng lời!

(Dân trí) - Cả gia đình 8 người bị bắt giam oan rồi mang thân phận bị can suốt 40 năm qua. Đau đớn hơn, những tờ quyết định đình chỉ điều tra phải mất 36 năm mới đến tay họ. Cả gia đình phải trải qua bao năm tháng tủi nhục, ly tán, có người tới chết vẫn chưa được minh oan...

Sinh con trong tù, uất hận vì nghi chồng phụ bạc

Ngày 4/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 công dân đã 40 năm mang thân phận bị can.

Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt 4 người đàn ông nữa bị bắt theo rồi bị đưa về công an huyện điều tra.

Sau 4 năm nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can nên quyết định thả tự do cả 8 người. Tuy nhiên, mặc cảm của bản thân lẫn hoài nghi của xóm giềng đã đẩy họ phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại sau lưng.

Gia đình 8 người mang án oan suốt 40 năm: Những nỗi đau không thể nói hết bằng lời! - 1

Bà Lan và ông Chánh tan vỡ hạnh phúc sau khi bị bắt giam oan. (ảnh: D.S).

Trong số những người bị oan, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Hồ Long Chánh (chồng bà Lan) đã phải ngậm ngùi chia tay vì gia đình người vợ nghi ngờ do lời khai của người chồng mà gia đình họ vướng vòng lao lý. Khi bị bắt bà Lan đang mang thai 5 tháng.

Những ngày ở tù, bà Lan luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang có thai mà lại nỡ khai khống vu oan cho vợ. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau khi sinh con, bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời. Rồi cũng vì giận chồng khai khống mà sau này bà và ông cạn duyên chồng vợ.

Sau khi sinh con trong trại giam, bà Lan lo lắng con lớn lên trong tù cùng mẹ không có tương lai nên đã quyết định nhờ cán bộ trại giam nuôi con giúp bà.

“Trong hơn 3 năm đó tôi và những người thân trong gia đình bị tách biệt ra khỏi xã hội, bị tù đày, bị bức cung, nhục hình. Gia đình tôi đã mất hết tài sản, người thân bị chết, bị bệnh và tha phương khắp nơi, chắt chiu từng đồng tiền cuối cùng để đi kêu oan đòi bồi thường. Gia đình tôi khánh kiệt vì oan trái này”, bà Lan kể lại.

Khi được hỏi chuyện bà Lan có ý định quay lại với ông Chánh hay không thì bà Lan ngấn lệ: “Gương vỡ làm sao lành lại được. Gáo nước hắt rồi, không thể lấy lại. Giờ cả hai đã già, phần đời còn lại, tôi chỉ muốn thanh thản sống qua ngày”.

Khi hỏi về dự định trong tương lai thì bà Lan cho biết sẽ thường xuyên tới thăm con cháu hơn. Trước đây bà ngại đi xa vì mỗi lúc đi đâu cũng phải trình báo chính quyền địa phương.

Mang nỗi oan khuất xuống mồ

Trong vụ án này bà Võ Thị Thương (sinh năm 1925) là người lớn tuổi nhất được minh oan. Ở độ tuổi “gần đất xa trời”, trải qua nhiều trận ốm, sức khỏe bà Thương ngày càng đi xuống nhưng khi nghe tin mình được minh oan bà khỏe hẳn ra.

Gia đình 8 người mang án oan suốt 40 năm: Những nỗi đau không thể nói hết bằng lời! - 2

Bà Nguyễn Thị Thương được minh oan năm 94 tuổi còn chồng bà đã mất khi còn mang thân phận bị can.

 “Mừng quá, tưởng chết vẫn không được minh oan. Tôi chỉ lo xuống đó gặp ổng, ổng hỏi thì không biết sao mà trả lời. Nay có được cái quyết định đó thì chết cũng thanh thản, qua bên kia thế giới gặp và nói cho ba bây biết để ổng yên lòng, chứ ngày ông mất (ông Nguyễn Thành Nghị) vẫn còn chưa được minh oan”, bà Thương chia sẻ.

Tiếp lời người mẹ, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) chia sẻ: “Khi nhận được quyết định đình chỉ là niềm vui không tả nổi, gần nửa thế kỷ qua tôi luôn cảm thấy dằn vặt, day dứt vì tôi chính là người khai vống cho họ, đẩy họ vào vòng lao lý. Đứng trước di ảnh người cha đã khuất, tôi vẫn tự trách mình nếu ngày đó chịu nổi đòn roi, nếu ngày đó không yếu lòng khai oan cho cha mẹ thì tấn bi kịch gia đình đã không thảm tàn như vậy để người cha phải mang thân phận bị can xuống mồ”.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn luật sư TPHCM, một trong các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các công dân) cho rằng hậu quả từ vụ án oan này là hết sức nặng nề. Cả 8 người bị bắt tạm giam, bị tra tấn, dùng nhục hình, dẫn đến đau bệnh, suy giảm nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần, để lại nhiều di chứng. Không chỉ 8 con người lương thiện bị oan sai gánh chịu hậu quả đau đớn mà cả gia đình người thân họ bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm trong suốt gần 4 thập kỷ qua chưa được khắc phục.

Xuân Duy