1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ cả gia đình oan sai suốt 40 năm: Một cựu chiến binh yêu cầu được xin lỗi tại đơn vị

(Dân trí) - Năm 1976, ông Dũng lên đường nhập ngũ, 3 năm sau ông về thăm gia đình và bị bắt giam oan. Sau 39 năm đi kêu oan, ông được Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường 615 triệu đồng, đồng thời phải xin lỗi công khai đối với ông Dũng.

Ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958) sinh ra và lớn lên tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 1976, ông Dũng lên đường nhập ngũ, ông  được đưa sang Campuchia chiến đấu với vị trí tiểu đội trưởng 1 tiểu đội thuộc Sư đoàn 317 Quân khu 7.

Đến tháng 7/1979, ông được đơn vị cho về thăm gia đình. Tối 26/7/1979, ở xã xảy ra một vụ cướp có vũ khí. Ông Dũng cùng 7 người trong gia đình bị bắt giam.

Vụ cả gia đình oan sai suốt 40 năm: Một cựu chiến binh yêu cầu được xin lỗi tại đơn vị - 1

Ông Dũng cùng người nhà nhận quyết định đình chỉ.

Hơn 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Dũng và gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho ông và các thành viên khác trong gia đình.

Sau đó ông Dũng quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng ông bị từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội.

Tiếp đó, ông Dũng nhiều lần khiếu nại cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh, Viện KSND tỉnh Tây Ninh thì nhận được quyết định đình chỉ điều tra. Ông là người duy nhất nhận được quyết định thời điểm đó. 7 người còn lại trong gia đình ông Dũng tới ngày 4/4/2019 mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra.

Ông Dũng yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường oan sai, tuy nhiên cơ quan này trả lời thời điểm năm 1983 chưa có Luật Bồi thường của Nhà nước nên không có căn cứ bồi thường cho ông Dũng.

Ông Dũng rời quê phiêu bạt đến xã Thạnh Phước (Gò Dầu, Tây Ninh) làm thuê. Tại đây ông làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ chẻ đá đến phụ hồ. Tại đây ông lấy vợ, hai vợ chồng chắt chiu mãi mới mua được một căn nhà ở xã Thạnh Phước.

Đến năm 2000, ông Dũng tìm về đơn vị cũ thì được biết đơn vị đã cắt quân số và báo cáo ông đào ngũ. Ông trình bày sự việc với lãnh đạo đơn vị. Đơn vị đã xem xét các giấy tờ ông mang tới và khôi phục hồ sơ quân nhân cho ông. Sau đó, đơn vị giải quyết chế độ xuất ngũ cho ông.

Về trách nhiệm bồi thường danh dự, đơn vị hướng dẫn ông về lại địa phương liên hệ với cơ quan tố tụng. Từ đây, ông Dũng tiếp tục cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan.

Ông Dũng khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng. Bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm hại (tiền lương, phụ cấp của 35 năm) tổng cộng trên 2,074 tỉ đồng; thu nhập thực tế bị mất vào thời điểm bị bắt oan sai là trên 310 triệu đồng, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại tổng cộng hơn 1,146 tỉ đồng, thiệt hại về tinh thần bị xâm hại với tổng số tiền trên 2,076 tỉ đồng.

Vụ cả gia đình oan sai suốt 40 năm: Một cựu chiến binh yêu cầu được xin lỗi tại đơn vị - 2

Ông Dũng được bồi thường 615 triệu đồng.

Năm 2018, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử, tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông Dũng số tiền 615 triệu đồng, đồng thời phải thực hiện việc xin lỗi công khai đối với ông Dũng.

 “Trong hơn 3 năm đó tôi và những người thân trong gia đình bị tách biệt ra khỏi xã hội, bị tù đày, bị bức cung, nhục hình. Gia đình tôi đã mất hết tài sản, người thân bị chết, bị bệnh và tha phương khắp nơi, chắt chiu từng đồng tiền cuối cùng để đi kêu oan đòi bồi thường. Gia đình tôi khánh kiệt vì oan trái này...”, ông Dũng chia sẻ.

Vụ cả gia đình oan sai suốt 40 năm: Một cựu chiến binh yêu cầu được xin lỗi tại đơn vị - 3

Ông Dũng yêu cầu xin lỗi tại đơn vị.

Ngày 8/4/2019, ông Dũng có đơn yêu cầu Viện KSN tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai tại đơn vị nơi ông từng công tác là Sư đoàn 317. Ông Dũng cho rằng việc xin lỗi tại đơn vị sẽ là cơ sở để nơi đây có trách nhiệm giải quyết chế độ thương binh và khen thưởng trong thời gian chiến đấu cho ông. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mong muốn xin lỗi tại địa phương nơi ông Dũng cư trú.

Ông Phạm Công Út (người đại diện ủy quyền hợp pháp cho ông Dũng) cho rằng áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án phải nhất quán và có lợi cho bên yếu thế mới mang tính cầu thị trước lỗi lầm của cơ quan làm oan cho người lương thiện, nếu không, oan sai sẽ còn chất chồng trong tương lai. Nhất là bản án có hiệu lực đã tuyên buộc Viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh phải xin lỗi ông Dũng theo khoản 3 Điều 51 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009.

Theo khoản 3 Điều 51 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009 nêu rõ: “Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên”, ông Út nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Viện KSND tỉnh Tây Ninh sẽ tiến hành xin lỗi công khai đối với ông Dũng.

Xuân Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm