1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: “Ba có thể yên nghỉ được rồi!”

(Dân trí) - Vui sướng khi được tự do, ông Nghị đưa người thân về lại địa phương thì phát hiện nương, rẫy đã bị chiếm. Gia đình ông đi đâu cũng bị hàng xóm khinh bỉ, xa lánh vì “gia đình ăn cướp”...

Ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918) sinh ra tại vùng quê nghèo tỉnh Tây Ninh. Lớn lên ông Nghị nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1925). Cuộc sống những năm chiến tranh gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông vẫn luôn cố gắng kiếm đủ ăn cho các con.

Sau giải phóng, một số người con của ông Nghị đã lớn đi làm thuê phụ giúp gia đình nên cuộc sống có phần “dễ thở” hơn trước. Tưởng rằng gia đình ông Nghị có thể có cuộc sống khá giả nhưng tai họa bất ngờ ập đến.

Vụ cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: “Ba có thể yên nghỉ được rồi!” - 1

Bà Lê Thị Thương vợ ông Nghị.

Năm 1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Vợ chồng ông Nghị cùng các con lần lượt bị bắt giam. Hơn 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Nghị và gia đình nên quyết định trả tự do.

Vui sướng khi được tự do, ông Nghị đưa người thân về lại địa phương thì phát hiện nương, rẫy đã bị chiếm. Gia đình ông đi đâu cũng bị hàng xóm khinh bỉ, xa lánh vì “gia đình ăn cướp”.

Để chạy trốn thực tại mang thân phận bị can, ông Nghị mang cả gia đình về xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương sinh sống.

Đến vùng đất mới, cuộc sống trở nên khó khăn với gia đình ông Nghị khi hầu hết thành viên trong gia đình mang thân phận bị can nên không mấy ai dám thuê. Nhận thấy việc được tự do nhưng không có quyết định đình chỉ gây khó khăn cho cuộc sống nên ông Nghị cùng các con đi gõ cửa, khiếu nại các cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh.

Hàng chục năm gửi đơn đi nhưng gia đình ông không nhận được phản hồi. Kiên trì chờ đợi ngày mình được minh oan nhưng tuổi cao, sức yếu nên ông Nghị không thể chờ được ngày đó. Năm 2013, ông Nghị qua đời khi vẫn mang thân phận của một bị can.

Vụ cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: “Ba có thể yên nghỉ được rồi!” - 2

Bà Thương nói trước khi mất vẫn mong muốn các con tiếp tục kêu oan.

“Ông đi kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp suốt bao nhiêu năm để đàn con lại cho bà nuôi dạy. Ông bị Mỹ và Pháp bắt giam nhiều lần nhưng nhất quyết không khai, nhưng khi vụ án ở xã Đôn Thuận xảy ra do bị nhục hình nặng nề nên ông mới khai ra người nhà. Ngày đó, ông bị bắt trước rồi khai ra bà nhưng bà không trách ông vì bà hiểu ông chịu đòn roi không nổi mới khai người trong nhà có chết thì chết cùng nhau chứ đâu dám khai người ngoài. Di chứng của nhục hình nặng nề lắm con ơi, ông và bà là người bị đánh đập nặng nề nhất hiện nay trên người vẫn còn nhiều vết sẹo. Ngày ông mất, ông vẫn gắng nói cùng các con là tiếp tục kêu oan giúp ba”, bà Thương kể lại.

Ông Nghị mất nhưng các con của ông vẫn tiếp tục kêu oan, cuối cùng hành trình kêu oan của gia đình ông Nghị cũng có kết quả.  Ngày 4/4/2019, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trao quyết định đình chỉ cho các người thân trong gia đình ông Nghị. Riêng ông Nghị do đã mất nên cần người ủy quyền hợp pháp mới có thể nhận quyết định.

Ông Nguyễn Văn Dũng nói về mong muốn của cha trước khi mất.

“Hôm đó, tôi đang chuẩn bị cúng giỗ cho ông thì giật mình nghe con thông báo là đã có quyết định đình chỉ. Tôi như chết đứng không tin đó là sự thật. Tôi không tin là mình được giải oan ở cái tuổi gần đất xa trời”, bà Thương nhớ lại.

“Khi nhận được thông báo của Viện KSND tỉnh Tây Ninh về việc nhận quyết định đình chỉ, tôi đã chạy thật nhanh về đọc cho mẹ nghe. Tôi đọc đi đọc lại hơn 30 phút cho mọi người cùng nghe, vừa đọc mà nước mắt cứ chảy vì mừng, vì vui sướng. Bây giờ mẹ tôi có thể ngẩng cao đầu với hàng xóm khi bà đã được công nhận là một công dân thực thụ”, ông Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị - cũng là nạn nhân oan sai) chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Nghị mang nỗi oan đến khi chết

Để cha dưới suối vàng biết rằng mình đã được minh oan, ông Dũng thắp nén nhang lên bàn thờ cha khấn: “Ba ơi, cuối cùng nỗi oan của ba cũng được giải. Nỗi nhục nhã của gia đình mình suốt gần nửa thế kỷ nay cũng được gột rửa. Quyết định này lúc sống ba không được nhận thì nay con với má đi nhận thay ba. Ngày 9/4, con sẽ qua Viện KSND tỉnh Tây Ninh để nhận quyết định đình chỉ thay ba. Ba ơi, ba có thể yên nghỉ được rồi!”.

Vụ cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: “Ba có thể yên nghỉ được rồi!” - 3

Ông Dũng thắp hương chia sẻ niềm vui với cha.

Những đau thương, mất mát gia đình ông Nghị phải gánh chịu suốt 40 năm qua không gì có thể bù đắp được. Thời gian tới những người thân trong gia đình ông Nghị vẫn còn hành trình yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi và bồi thường oan sai.

Xuân Duy