Cả gia đình chịu oan sai suốt 40 năm: Cụ bà 94 tuổi đòi bồi thường 12 tỷ đồng
(Dân trí) - Bị bắt giam oan hơn 4 năm và mang thân phận bị can suốt 40 năm, cụ bà Nguyễn Thị Thương yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh khôi phục danh dự và bồi thường tổn thất thực tế, vật chất và tinh thần cho bà là 12,3 tỷ đồng.
Chiều 10/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận đơn yêu cầu bồi thường oan sai của bà Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1925, ngụ tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Bà Thương là nạn nhân trong vụ án oan năm 1979.
“Tôi và gia đình phải chịu cảnh mất mát tài sản là đất đai, ruộng vườn vì bị người khác chiếm giữ trong lúc gia đình tôi đều bị đi tù oan ức. Rồi gia đình vợ chồng, con cái, chúng tôi đành phải rời bỏ quê hương xứ sở, lưu lạc qua tỉnh khác để trốn tránh sự ghẻ lạnh, khinh miệt của bà con hàng xóm, họ hàng thân tộc… Mọi người nhìn tôi là vợ kẻ cướp, là mẹ của thằng ăn cướp và xem bản thân tôi là người đàn bà ăn cướp. Tôi nhận thấy, trách nhiệm giải oan, khắc phục oan sai là thuộc về cơ quan tố tụng, cụ thể ở đây trách nhiệm chính thuộc về Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Nay tôi yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh tiến hành xin lỗi, cải chính và thương lượng bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành cho những những thiệt hại về tinh thần, vật chất, danh dự, nhân phẩm cho tôi mà tôi phải chịu đựng suốt 40 năm qua”, bà Thương nêu trong đơn.
Trong đơn bà Thương yêu cầu bồi thường 12,3 tỷ đồng. Bao gồm: Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm (nhà cửa, ruộng vườn) và thiệt hại do thu nhập thực tế là 8,8 tỷ đồng, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm là 970 triệu đồng, thiệt hại về tinh thần là 2,1 tỷ đồng, chi phí khác là 387 triệu đồng. Ngoài ra, bà Thương còn yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh xin lỗi công khai nơi bà cư trú.
Bà Nguyễn Thị Thương mong được sớm xin lỗi và bồi thường oan sai.
Ngoài bà Thương, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cũng nhận được đơn yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1953) và ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952). Trong đơn, ông Chiến yêu cầu bồi thường 12 tỷ đồng, còn ông Chánh yêu cầu bồi thường 6,7 tỷ đồng.
Biên nhận của Viện KSND tỉnh Tây Ninh.
“Mặc dù vợ chồng tôi không cướp tài sản của ai nhưng điều tra viên đã đánh đập bắt tôi và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nhận tội. Khi bị bắt vợ tôi đang mang thai 5 tháng và khiến vợ tôi phải sinh con thiếu tháng trong tù. Sau khi sinh con, vợ tôi nói con tôi đã chết nên tôi hoàn toàn không biết có thêm một người con với vợ. Mãi đến năm 2018, tôi mới biết mặt mũi con gái mình tên là Trần Thị Tuyết. Giọt máu của tôi phải lưu lạc sống với cha mẹ nuôi từ khi lọt lòng không biết cha mẹ ruột của mình”, ông Chánh trình bày quan điểm trong đơn.
Ông Chánh yêu cầu bồi thường 12 tỷ đồng.
Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này, lần lượt 7 người trong gia đình bà Thương bị bắt theo rồi bị đưa về công an huyện điều tra.
Hơn 4 năm bị giam cầm nhưng cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Thương và gia đình nên quyết định trả tự do cho họ. Tuy vậy, những quyết định về việc đình chỉ vụ án, dù đã có, vẫn không được trao cho bà và các thành viên khác trong gia đình. Riêng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) là người duy nhất nhận được quyết định đình chỉ.
Tới ngày 4/4, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại trong gia đình bà Thương.
Theo đó, những người được xác định bị oan là các ông, bà Hồ Long Chánh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng (Dũng nhỏ), Nguyễn Thành Nghị, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Lan.
Cụ bà Thương (người đội khăn) nhận quyết định đình chỉ điều tra khi đã ở tuổi gần đất xa trời.
Tuy nhiên, ông Nghị đã qua đời, hiện đang chờ có người ủy quyền hợp pháp thì mới có thể nhận được quyết định đình chỉ. Đối với bà Nguyễn Thị Lan và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan thì quyết định đình chỉ ghi sai tên “Lan” thành “Lang”, còn đối với ông Dũng sinh năm 1961 nhưng quyết định ghi sinh năm 1962.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ không đúng, ông Dũng, bà Nguyễn Thị Lan và Nguyễn Thị Ngọc Lan đã khiếu nại cơ quan quyết định của Viện KSND tỉnh Tây Ninh nên những người này chưa nộp đơn yêu cầu bồi thường và xin lỗi công khai.
Xuân Duy