Đổi gần 40 năm oan sai lấy... 615 triệu đồng

(Dân trí) - Năm 1979, ông Dũng bị bắt giam về tội cướp tài sản riêng của công dân. Gần 4 năm sau, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Dũng. Ông Dũng khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu được bồi thường 10,4 tỷ đồng nhưng chỉ được tòa chấp nhận 615 triệu đồng.

Ngày 19/11, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1958, ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), bị đơn là Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Theo đơn khởi kiện, ngày 26/7/1979, ông Dũng đang là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia được cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và thăm gia đình tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) thì bị công an bắt giữ với tội cướp tài sản riêng của công dân.

phien toa 3

Ông Dũng (ngoài cùng bên phải) tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong suốt thời gian bị bắt giam, ông Dũng cương quyết không nhận tội nên đến ngày 11/5/1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với ông và trả tự do cho ông sau 3 năm 9 tháng 14 ngày ông Dũng bị tạm giam.

Sau khi được đình chỉ điều tra ông Dũng khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do việc bắt oan sai của cơ quan tiến hành tố tụng. Đến ngày 7/8/2017, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Dũng.

Đáng chú ý, tuy cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, nhưng không đình chỉ bị can, nên ông Dũng mang thân phận bị can gần 40 năm.

Trong đơn khởi kiện ban đầu, ông Dũng đứng đơn kiện đòi giải quyết bồi thường cho ông cùng với 7 người bị bắt oan sai liên quan đến vụ cướp vàng năm xưa.

Tuy nhiên, đơn kiện của ông Dũng được tòa đề nghị sửa lại với nội dung chỉ yêu cầu bồi thường cho một mình ông và tách riêng những người còn lại. Điều đáng nói là 7 người này phản ánh sau khi ra tù không nhận được quyết định đình chỉ vụ án để làm cơ sở đi khiếu nại, đòi bồi thường.

Ngày 12/9, TAND huyện Gò Dầu xét xử sơ thẩm, tuyên Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường 615 triệu đồng cho ông Dũng. Sau bản án sơ thẩm, ông Dũng kháng cáo.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị được bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng. Bao gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm hại (tiền lương, phụ cấp của 35 năm) tổng cộng trên 2,074 tỉ đồng; thu nhập thực tế bị mất vào thời điểm bị bắt oan sai là trên 310 triệu đồng; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại tổng cộng hơn 1,146 tỉ đồng; thiệt hại về tinh thần bị xâm hại với tổng số tiền trên 2,076 tỉ đồng.

"Ngoài những khoản bồi thường trên, tôi còn yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho "các chi phí khác", gồm: thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, thiệt hại trong quá trình khiếu nại, tố cáo để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, như: Chi phí tàu xe, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, thuê viết đơn, tham gia tố tụng…trên 880 triệu đồng. Đối với thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm của quân nhân và gia đình, chi phí nuôi con, nuôi cha mẹ…tôi yêu cầu bồi thường 4 tỉ đồng" - ông Dũng cương quyết.

Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng đề nghị HĐXX huỷ án sơ thẩm, tiến hành xin lỗi, bồi thường; đưa thêm người tham gia tố tụng khác như vợ con ông Dũng, những người tiến hành tố tụng trước đây như điều tra viên, kiểm sát viên. Các luật sư cũng đề nghị triệu tập đại diện đơn vị ông Dũng công tác, vì ông Dũng khi bị bắt là quân nhân, việc bắt giữ oan sai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông.

Đại diện bị đơn, ông Thân Văn Danh liệt kê một loạt văn bản liên quan đến luật Bồi thường. Ông Danh cho hay, Viện KSND tỉnh Tây Ninh không từ chối trách nhiệm. Ông cũng thấy được, thấu hiểu thiệt hại, nỗi đau của ông Dũng.

Sau khi nghị án, HĐXX xác định, trong quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh xác định có nhục hình, ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông Dũng. Ông Dũng bị bắt oan, thiệt hại vật chất, tinh thần là rất lớn, vì vậy Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Dũng. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm ông Dũng không nêu ra được các tình tiết mới nên HĐXX quyết định bác kháng cáo của ông Dũng, tuyên y án sơ thẩm.

Xuân Duy