1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Gần 2 tỷ đồng cho một chuyến công tác của VNA

Mỗi chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chi vượt quy định hàng trăm triệu đồng. Người đứng đơn tố cáo đưa ra dẫn chứng tiền công tác phí bình quân của một phó tổng giám đốc VNA từ 200.000 - 300.000 USD/năm (tương đương 3 đến 5 tỷ đồng).

Kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng về những nội dung tố cáo sai phạm của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho thấy nhiều nội dung là đúng sự thực.

Chi vượt hàng trăm triệu đồng công tác phí

Kết quả xác minh chuyến công tác tháng 7/2005, trong lần đi khai trương đường bay thẳng Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó sang Nga cho thấy: đoàn của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Sỹ Hưng được thanh toán tổng cộng 1,946 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều khoản tiền không có dự toán như chi tiếp khách, lệ phí tham quan, mua nước uống...

Tổng số tiền chi không đúng chế độ tài chính cho đoàn của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Sỹ Hưng lên tới hơn 315,7 triệu đồng. Trong đó, khoản tiêu vặt sai quy định khi đoàn ở Đức là 30,7 triệu đồng; tiền ăn hoa quả ở phòng Phó Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh hết 3,1 triệu đồng!

Tương tự, tháng 8/2005, đoàn của Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Hiển đi công tác Liên bang Nga vài ngày song cũng được Văn phòng chi nhánh VNA tại Nga chi 263 triệu đồng công tác phí, trong đó riêng tiền thuê khách sạn là gần 187 triệu đồng. Trong số này, số tiền chi không đúng chế độ, không có trong kế hoạch, dự toán là hơn 110 triệu đồng.

Thậm chí, đoàn của Tổng giám đốc “chơi trội” hơn đoàn của Chủ tịch HĐQT. Cùng thuê phòng khách sạn loại A, nhưng số tiền thanh toán đoàn của Tổng giám đốc vượt đoàn của “sếp” 24 triệu đồng; còn phòng loại B thì vượt 20 triệu đồng. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thu hồi và xuất toán số tiền chi không đúng chế độ của 2 đoàn công tác trên, với tổng số tiền hơn 425 triệu đồng.

Hai lần thuê động cơ để... đắp chiếu!

Kết quả xác minh nội dung thuê động cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho thấy: ngày 18/11/2005, Ban kỹ thuật VNA có văn bản đề nghị Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển thuê động cơ để thay thế động cơ EB 0085 (của máy bay ATR 72) sẽ phải tháo đi đại tu trước ngày 5/12/2005. Ngay trong ngày, ông Hiển đã ký hợp đồng với đối tác EADS Seca để thuê động cơ.

Ít ngày sau, đối tác thông báo lại, động cơ VNA định thuê bị hỏng và đề nghị cho thuê động cơ khác với các điều kiện tương tự. Vậy là đầu tháng 12/2005, Ban quản lý vật tư VNA đề nghị Tổng giám đốc Hiển ký hợp đồng thuê động cơ mới. Ông Hiển đã ký luôn hợp đồng thuê động cơ. Chỉ có điều kỳ lạ là ngày ký hợp đồng này vẫn là 18/11! Song, đáng nói là động cơ thuê lần thứ hai này cũng đủ tiêu chuẩn… đắp chiếu.

Ngay khi động cơ được đưa về Việt Nam, Xí nghiệp A75 đã kiểm tra và kết luận: không đủ tiêu chuẩn chế độ bảo dưỡng. VNA đã phải trả lại động cơ mới này. Vậy là, chiếc ATR 72 tiếp tục xài chiếc động cơ cũ vì tốt hơn, an toàn hơn hai động cơ đi thuê. Tính ra, máy bay đã phải dừng bay 6 ngày, mỗi ngày “đắp chiếu” làm thiệt hại hàng chục ngàn USD.

Cơ quan chức năng cũng đã làm rõ các sai phạm khác của hai lãnh đạo VNA. Trong đó, có những sai phạm mang tính lôgic, dẫn đến việc quản lý, kinh doanh kém hiệu quả ở một số khâu thuộc VNA. Sự thua thiệt này có thể xuất phát từ khâu bổ nhiệm cán bộ. Vì, có những cán bộ đang vi phạm lại được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Điển hình trong số này là Trưởng ban quản lý vật tư Trần Hữu Phúc; hay như việc bổ nhiệm ông Nguyễn Duy Sợi, trình độ văn hóa thấp (chưa đủ điều kiện để bổ nhiệm), có một tiền sự lên làm… Đoàn phó Đoàn bay 919 anh hùng!

Theo Nhóm PV
Sài Gòn Giải Phóng

Dòng sự kiện: Thanh tra Vietnam Airlines