1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều phi công của VNA "dính" bê bối

Hai phi công “ngủ quên” trong khi lái máy bay, một phi công bị bắt giữ tại Úc vì hành vi vận chuyển tiền trái phép, trước đó, một phi công khác bị tạm giữ tại Singapore vì bị nghi ngờ quấy rối tình dục - Thực hư những sự việc này ra sao?

Lãnh đạo Vietnam Airlines (VNA): “Không có chuyện phi công ngủ quên”

Ngày 17/4/2006, chuyến bay VN 545 của Vietnam Airlines đi Frankfurt (Đức) đã bị yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Cộng hòa Czech. Trước đó, trên đường bay đi Đức, khi đến không phận của Ukraine, chiếc máy bay này bị mất liên lạc với mặt đất, phi công không biết, tiếp tục cho máy bay bay qua Ukraine sang Ba Lan và đến Cộng hòa Czech.

Đài kiểm soát không lưu của Czech đã đánh tín hiệu hỏi suốt 25 phút nhưng không nhận được bất cứ tín hiệu nào từ phi công. Trước tình huống trên, không quân Czech đã cho chiến đấu cơ tiếp cận chiếc máy bay của Vietnam Airlines.  

Một số nguồn tin cho rằng, nguyên nhân của sự cố là do tổ bay đã ngủ quên, khi chiến đấu cơ của Czech xuất hiện mới tỉnh giấc. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lương Thế Phúc phủ nhận giả thiết này. Ông Phúc giải thích: "Không thể có chuyện tổ bay ngủ quên được. Các đường bay dài từ Việt Nam đi Đức, Việt Nam đi Pháp, chúng tôi đều bố trí mỗi chuyến hai tổ bay để thay nhau. Theo quy định trên các đường bay dài, cứ 15 phút tổ tiếp viên phải vào để phục vụ tổ lái. Vì thế nói phi công ngủ quên là không thể có".

 

Ông Phúc cho biết nguyên nhân sự cố là do "khi đến không phận của châu Âu, phi công đã đặt sai tần số nên dưới mặt đất không liên lạc được. Không quân Czech cho máy bay lên để hỗ trợ, còn chuyến bay không phải hạ cánh xuống Czech mà tiếp tục bay đi Đức theo đúng kế hoạch".

 

Sau sự việc trên, Vietnam Airlines đã tổ chức họp với Cục Hàng không dân dụng, các thành viên của tổ bay và tổ tiếp viên. Báo cáo của tổ tiếp viên khẳng định, lúc đó phi công vẫn điều khiển máy bay bình thường, không ngủ. Hai phi công vi phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ bay và buộc phải đào tạo lại.

 

Trả lời trên báo Tiền phong, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển cũng khẳng định không có chuyện 2 phi công ngủ quên đến nỗi mất liên lạc như báo chí đã nêu.

 

Việc không liên lạc được với mặt đất là do mất sóng HF (tần số sai) chỉ trong một thời gian nhất định. Báo chí nói như vậy sẽ khiến cho hành khách đi máy bay hoang mang. Việc mất sóng liên lạc như vậy là bình thường.

 

Khi được hỏi về chất lượng phi công Việt Nam, ông Hiển nói: Đội ngũ phi công Việt Nam có trình độ cao so với thế giới, đáp ứng yêu cầu bay và tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàng không quốc tế. Hơn nữa, hằng năm các phi công vẫn được cử ra nước ngoài rèn luyện kỹ năng bay và có thi kiểm tra tay nghề.

 

Không chỉ dừng lại ở đây, mấy ngày qua, nhiều người cũng đang đặt câu hỏi về sự cố xảy ra với  2 phi công khác: Một là Trần Đình Đan bị giữ tại Úc vì có hành vi vận chuyển tiền trái phép và một phi công khác bị tạm giữ tại Singapore vì nghi quấy rối tình dục.

 

Vận chuyển tiền trái phép?

 

Mới đây nhất, phi công Trần Đình Đan khi lái máy bay tuyến Sydney - TPHCM đã bị bắt giữ ở Úc. Ngày 3/6/2006, khi phi công này đang qua cửa kiểm soát an ninh của sân bay Sydney thì nhận được thông báo kiểm tra hành lý. Sau khi kiểm tra, cơ quan an ninh đã thông báo phi công Trần Đình Đan bị tạm giữ vì vi phạm các quy định hải quan của Úc. Ông Phòng, Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Úc xác nhận đúng là có một phi công của Vietnam Airlines bị bắt ở Úc nhưng đến nay cũng chưa có thông tin gì khác.

 

Ông Phòng cho biết: "Chúng tôi không biết gì hơn ngoài việc có một phi công Vietnam Airlines bị bắt. Cảnh sát cho hay chỉ khi nào phi công bị bắt có luật sư bào chữa mới được tiếp cận". Từ khi ông Đan bị bắt, người nhà ông Đan chỉ liên lạc duy nhất một lần với Trưởng đại diện Vietnam Airlines tại Úc.

 

Theo ông Phòng, luật pháp Úc quy định, khi đi máy bay hành khách chỉ được phép mang dưới 10.000 đô la. Tuy nhiên ông Phòng lại không cho biết quy định đó được tính theo đô la Úc hay đô la Mỹ. "Nếu mang nhiều hơn 10.000 đô la sẽ bị tịch thu, còn mang quá nhiều so với quy định thì không biết người ta xử lý như thế nào", ông nói.

 

Hôm qua 11/6, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lương Thế Phúc khẳng định: "Hiện tại phi công bị tạm giữ ở Úc vẫn chưa được thả, Vietnam Airlines chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Úc phối hợp chặt chẽ với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney để giải quyết".

 

Về việc Vietnam Airlines có thuê luật sư cho phi công Đan hay không, ông Phúc cho biết: "Đó là việc làm của một cá nhân nên người đó phải chịu trách nhiệm". Cũng theo ông Phúc "phía Úc thông báo là vi phạm quy định về hải quan chứ có biết vi phạm cụ thể cái gì đâu. Theo suy đoán của tôi có thể phi công đã mang tiền quá nhiều so với quy định của luật pháp Úc. Đây là trường hợp phi công đầu tiên của Vietnam Airlines bị cơ quan hành chính nước ngoài can thiệp tạm giữ".

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng phi công, tiếp viên mỗi khi ra nước ngoài vận chuyển tiền mặt hộ để lấy phí không phải là hiếm. Tuy nhiên do chưa có chứng cứ nên cho đến nay lãnh đạo Vietnam Airlines đều bác bỏ.

 

Bị tạm giữ vì “quấy rối tình dục”?

 

Cách đây không lâu, tại Singapore, một phi công khác có tên là Hồng của Vietnam Airlines cũng từng bị tạm giữ do quấy rối tình dục. Ông Lương Thế Phúc thừa nhận, đầu năm 2006 có một phi công bị tạm giữ ở Singapore, cụ thể là: "Trong chuyến bay sang Singapore, anh Hồng có trêu đùa một phụ nữ theo đạo Hồi. Sau khi bị tố cáo, phi công Hồng đã bị cảnh sát Singapore tạm giữ hộ chiếu. Bị giữ hộ chiếu nhưng không thấy cảnh sát đả động gì, anh Hồng đã sử dụng một hộ chiếu khác của mình để quay về Việt Nam. Sau đó ít ngày, anh Hồng bay trở lại Singapore đã bị cảnh sát tạm giữ.

 

Tuy người phụ nữ kiện vụ việc ra tòa nhưng sau khi trình bày của anh Hồng do không biết quy định, phong tục của đạo Hồi, vụ việc đã được tòa án chấm dứt. Anh Hồng không phải bồi thường hay bị xử lý dưới bất cứ hình thức nào". Ngay sau đó, phi công Hồng tiếp tục đi làm, hiện tại vẫn bay trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

 

Về xử lý kỷ luật người vi phạm, ông Phúc cho biết: "Anh Hồng chỉ vi phạm việc sử dụng hộ chiếu không đúng, còn việc làm trên là do không hiểu tín ngưỡng của hành khách. Chúng tôi đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm!". 

 

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên

Dòng sự kiện: Thanh tra Vietnam Airlines