1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lãnh đạo VNA nói gì về các vụ bê bối?

Hôm qua, cả chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (VNA) Nguyễn Sỹ Hưng và tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển đã xuất hiện và giải trình tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương ở Hà Nội về một số vụ việc bê bối tại đơn vị này.

Vụ kiện ở Ý đang “diễn biến phức tạp”

 

Trong văn bản gửi lãnh đạo các báo, VNA cho biết vụ kiện giữa VNA và ông Maurizio Liberati (luật sư người Ý) vẫn chưa kết thúc và đang “diễn biến rất phức tạp”. Theo VNA, ngay ở thời điểm 2002, khi tiếp nhận thư đòi tiền của ông Liberati cùng trích lục án quyết của Tòa án Rome năm 2000 tuyên VNA phải trả 4,37 triệu euro, lãnh đạo VNA đã đánh giá đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến VNA. Trách nhiệm vụ này “thuộc các kỳ lãnh đạo trước”.

 

Theo tư vấn của các luật sư gửi tới lãnh đạo VNA, khả năng chống lại án quyết của Tòa án Rome là “rất khó khăn”. Tuy nhiên, phía VNA và các luật sư đều thống nhất đánh giá án quyết có nhiều tình tiết, yếu tố phi lý.

 

VNA đã gửi đơn tới Tòa phúc thẩm Rome đề nghị xem xét lại án quyết tháng 3/2000 (án quyết này buộc VNA phải trả cho ông Liberati hơn 4,37 triệu euro). Tháng 10/2005, VNA đã gửi một lá đơn đặc biệt tới Tòa sơ thẩm Rome đề nghị hủy án quyết tháng 3/2000.

 

Ngày 18/4/2006, Tòa sơ thẩm Rome đã mở phiên xem xét lá đơn đặc biệt này và dự kiến phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra ngày 17/10/2006.

 

Trả lời báo chí vì sao VNA không cử người dự phiên tòa sơ thẩm tại Ý năm 1995 dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng về sau, lãnh đạo VNA cho biết thời điểm nhận được giấy triệu tập của Tòa án Rome, tổng giám đốc VNA là ông Lê Đức Tứ.

 

Lúc đó, ban đối ngoại - hành chính (trưởng ban là ông Nguyễn Ngọc Quang) đã gửi các giấy tờ về vụ kiện cho ban tiếp thị - hành khách (TTHK) để hỏi ý kiến. Trưởng ban TTHK Nguyễn Hải đã có văn bản trả lời (số 800/TTHK ngày 9/12/1994), trong đó cho rằng “ban TTHK không hề tuyển dụng ông M.Liberati. Vụ việc tranh chấp này hoàn toàn không liên quan đến ban TTHK. Chuyện ông M.Liberati ủy quyền cho ông Andrea Morsillo thay mặt tại tòa án kiện đòi giải quyết tranh chấp về tiền công lao động chỉ đơn thuần là vụ việc giữa ông M.Liberati và Công ty Falcomar”.

 

Do vậy, theo lãnh đạo VNA, khi phiên tòa sơ thẩm nhóm họp tại Rome ngày 30/11-1995, VNA đã không có bất cứ đại diện nào tham dự.

 

Mua động cơ cho Boeing 777: Cục Hàng không có đồng ý?

 

Tại cuộc họp ngày 13/6, chủ tịch HĐQT VNA Nguyễn Sỹ Hưng trình bày: năm 2000-2001, khi lập dự án mua máy bay, VNA xác định các đường bay khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì có hiệu quả kinh tế cao hơn đường bay dài. Vì vậy, VNA đặt mục tiêu mua bốn máy bay Boeing 777-200ER - loại Boeing 777 đã được giảm tải để khai thác trên các đường bay khu vực. Theo ông Hưng, VNA đã báo cáo Cục Hàng không dân dụng về việc này và tại văn bản (số 77 ngày 16/1/2002) gửi Thủ tướng, Cục Hàng không đã… đồng ý với VNA.

 

Tuy nhiên, hiện tại nhiều cơ quan báo chí đang có trong tay văn bản số 298 ngày 8/3/2002 của Cục Hàng không dân dụng, vốn ra đời sau văn bản 77 nói trên tới gần hai tháng. Tại văn bản 298 này, Cục Hàng không đã bày tỏ nhiều ý kiến khác với đề xuất của VNA lên Thủ tướng Chính phủ, nhất là về qui trình lựa chọn nhà cung cấp động cơ, sự sai lệch trong báo cáo thị phần của ba nhà sản xuất động cơ máy bay, đặc biệt là sự lo ngại trước việc VNA chọn động cơ của Pratt-Whitney cho máy bay Boeing 777-200ER.

 

“Cử tuyển con quan”: có sai sót một ít đối tượng (!)

 

Ngoài hai vấn đề trên, lãnh đạo VNA cũng đề cập tới việc bổ nhiệm cán bộ của VNA và vụ “cử tuyển” con quan đi học nước ngoài. Theo đó, lãnh đạo VNA thừa nhận “có sai sót về một ít đối tượng chưa đúng với qui chế của VNA và chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung qui định xét tuyển cho phù hợp với tình hình thực tế”.

 

Riêng về 16 trường hợp cử tuyển “chưa đúng qui chế”, lãnh đạo VNA giải thích do các điều kiện ràng buộc, một số học viên trúng tuyển đã xin rút không tham gia khóa học. Để đảm bảo số lượng học viên dự học, VNA đã xem xét mở rộng một số đối tượng có nguyện vọng tham gia học tập là con em bên ngoài tổng công ty. Những trường hợp này, theo VNA, tuy chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhưng có khả năng thực hiện được cam kết phục vụ lâu dài và đảm bảo nghĩa vụ tài chính với VNA.

 

Đến nay, VNA đã thông báo thu hồi số tiền hỗ trợ và “không có bất cứ biểu hiện tiêu cực nào trong việc đưa các cháu là con em của cán bộ ngoài VNA đi đào tạo tại nước ngoài”, lãnh đạo VNA khẳng định với các cơ quan báo chí.

 

Báo cáo của Văn phòng chính phủ về các vụ việc tại  Vietnam Airlines

 

Trong công văn hoả tốc gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chiều 13/6, Văn phòng Chính phủ khẳng định, trên cơ sở giải trình của tổng công ty, hồi tháng 4/2002, các bộ ngành và cả Cục Hàng không Dân dụng cũng ủng hộ ý kiến chọn động cơ PW cho 4 máy bay B777.

 

Liên quan tới vụ kiện 5,2 triệu euro với luật sư Liberati, Văn phòng Chính phủ cho biết trong tháng 4, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đồng ý với đề nghị của Vietnam Airlines về việc chấp hành phán quyết Toà phúc thẩm Paris, tạm thời nộp phạt. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo có phương án bác bỏ bản án sai trái của Toà án Roma tại Italy để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổng công ty.

 

Theo yêu cầu của Chính phủ, ngày hôm nay 14/6, Vietnam Airlines sẽ tổ chức họp báo thông báo rõ nội dung liên quan đến việc mua động cơ cho 4 máy bay B777 cũng như vụ kiện tại Roma.

 

Theo Tuổi Trẻ, VnExpress

Dòng sự kiện: Thanh tra Vietnam Airlines