Gần 1 triệu người kê khai tài sản, chỉ 4 người “không trung thực” (!?)
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/5/2015, đã có 995.383/999.416 người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,6%. Qua xác minh 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, chỉ phát hiện 4 người "không trung thực".
Theo báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ; kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai; 317.167 (đạt 32,4%) bản đã được công khai theo hình thức niêm yết; 662.129 (đạt 67,6%) bản đã công khai theo hình thức công bố.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cho biết có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Thanh tra Chính phủ cho biết trong 6 tháng qua có 3 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 03 người (Cách chức 1 người, cảnh cáo 1 người và khiển trách 1 người).
Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn thanh tra với phòng, chống tham nhũng. Trong quý I/2015, ngành thanh tra đã phát hiện 7 vụ, 9 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 3 vụ, 7 đối tượng.
Cơ quan điều tra trong ngành công an đã thụ lý điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng; điều tra bổ sung 1 vụ, 2 bị can. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 56 vụ, 130 bị can; tạm đình chỉ 2 vụ, 1 bị can; đình chỉ điều tra 1 bị can và hiện đang điều tra 126 vụ, 330 bị can.
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thường xuyên, có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đã tạo ra một số kết quả nhất định, trong đó nổi bật là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ đạo điều hành trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn phức tạp. Thanh tra Chính phủ cho rằng nguyên nhân chính do tính chất, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý; số vụ việc tham nhũng với số tiền, tài sản tham nhũng ngày càng lớn gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Ngoài ra, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế; một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thiếu quyết dẫn đến việc thực hiện còn chưa nghiêm túc; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít. Hiệu quả một số cuộc thanh tra trách nhiệm chưa cao; việc nắm bắt thông tin về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế nhất định.
Từ nay tới hết năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 08/2012 của Bộ Chính trị và Chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tương trợ tư pháp nhằm tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng; tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng…
Thế Kha