1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

1 triệu bản kê khai tài sản, chỉ 5 trường hợp được xác minh

(Dân trí) - Trước sự việc có 1 triệu bản kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 trường hợp được xác minh, 1 trường hợp bị xử lý vì không trung thực, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, biện pháp này thuộc diện hiệu quả thấp trong phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục Phòng chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), tính hiệu quả của kê khai tài sản đối với phòng, chống tham nhũng đã được đặt ra từ lâu. “Nếu hỏi số liệu trong kê khai tài sản đã trung thực hay chưa? Theo tôi là chưa thực sự trung thực nên vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Tuyển nói.

Quan chức về hưu xây biệt thư khủng khiến dư luận xôn xao.
Quan chức về hưu xây biệt thư khủng khiến dư luận xôn xao.

Để biết rõ hiệu quả của kê khai tài sản trong phòng, chống tham nhũng, ông Tuyển cho hay, hiện nay đang chia làm 3 nhóm giải pháp: Nhóm tương đối hiệu quả, nhóm trung bình và nhóm hiệu quả thấp. Kê khai tài sản được xếp vào nhóm có hiệu quả thấp.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - cho biết, kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng được nhiều nước áp dụng nhưng cũng có nhiều nước không đánh giá cao biện pháp này. Ở Việt Nam, kê khai tài sản không phải là vấn đề mới. Đối với cán bộ, công chức, ngay từ khi kê khai lý lịch đã có nội dung đề cập đền hoàn cảnh kinh tế.

Nhưng đến năm 1998, khi có Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng mới quy định thành quy phạm pháp luật, xác định rõ đối tượng, chủ thể phải kê khai, nội dung phải kê khai và quản lý như thế nào. Đến khi có Luật Phòng chống tham nhũng và gần đây là Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Việt Nam tiến thêm một bước nữa là phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Theo ông Lượng nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị thu hẹp lại đối tượng và công khai rộng rãi hơn. Còn nếu càng nhiều đối tượng phải kê khai thì càng khó quản lý.

Về hiệu quả của kê khai tài sản trong phòng, chống tham nhũng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho biết, biện pháp này thuộc nhóm hiệu quả thấp. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc này.

Ông Lượng cũng cho biết, đơn vị này cũng rất băn khoăn vì trong 1 triệu bản kê khai tài sản mà chỉ có 5 trường hợp được xác minh, 1 trường hợp bị xử lý vì không trung thực. Tuy nhiên, cái khó của thanh tra là không có thẩm quyền trực tiếp xác minh. “Vì không có thẩm quyền xác minh nên chúng tôi cũng không dám khẳng định các bản kê khai đó là trung thực hết”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói.

Quang Phong