1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM tiêu biểu cho dự án lãng phí

(Dân trí) - Báo cáo kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 được trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng ngày 12/4 nêu đánh giá của Chính phủ, việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến tàu đện ngầm số 2 TPHCM là những ví dụ tiêu biểu…

12 dự án lỗ lớn còn khó khăn

Về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo của Chính phủ năm nay nêu đánh giá khái quát, công tác thoái vốn nhà nước được triển khai thực hiện với nhiều chính sách, giải pháp mang tính đột phá như tăng cường công khai minh bạch, để thị trường định giá cổ phiếu, đã góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí vốn, đảm bảo lợi ích cho nhà nước. Tổng thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách năm 2017 là gần 145.000 tỷ đồng, gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Về tồn tại, hạn chế, báo cáo của Chính phủ thể hiện, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong khu vực kinh tế nhà nước, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.

Một số bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của cả nước. Công tác cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao.

Hạn chế nữa là việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước còn chậm. Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán), ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường cũng như công tác giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất.

Với 12 dự án yếu kém ngành công thương, thông tin cụ thể, tới thời điểm tháng 3/2018 có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ. Trong đó, có 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy thép Việt Trung.

3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, gồm dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Sử dụng vốn vay dàn trải, lãng phí

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn... được xem là dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn... được xem là dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả.

Phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách nhà nước nói chung và quản lý nợ công nói riêng, Chính phủ đánh giá việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao.

Các dự án được dẫn chứng là dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM.

Ngoài ra, một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay. Như dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

Chính phủ cũng cho rằng quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.

Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có 4 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA theo hình thức cho vay lại, phải chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Gồm dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

P.Thảo