Đồng Nai:
Dự án lấn sông Đồng Nai: Khảo sát nguồn nước, địa chất dòng sông
(Dân trí) - Mẫu nước sông Đồng Nai đã được các nhà khoa học lấy đi xét nghiệm đồng thời lấy ý kiến người dân xoay quanh dự án lấn sông của tỉnh Đồng Nai.
Ngày 27/3, đoàn các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học miền Nam và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tiến hành khảo sát hiện trường khu vực thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai và phỏng vấn người dân sinh sống bên vùng dự án. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu nước nhằm đánh giá hiện trường dự án sông Đồng Nai.
Trước đó, hàng loạt các cơ quan chức năng, tổ chức và các nhà khoa học đồng loạt lên tiếng phản đối việc lấp sông của tỉnh Đồng Nai. Quyết liệt nhất, tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định cấp phép xây dựng dự án này.
“Chúng tôi, các thành viên thuộc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, quan tâm sâu sắc và bày tỏ sự lo ngại về việc Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã và đang triển khai ồ ạt việc thi công dự án này. Mặc dù dự án này đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch 1/500 và chấp thuận đầu tư (Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21/7/2014) dưới một hình thức công trình cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị nhưng thực chất đây là một hoạt động xây dựng lấn chiếm và tạo nên hạ tầng lớn cản trở dòng chảy, nắn dòng sông, chiếm mặt nước tự nhiên trên sông, dòng chảy tự nhiên của con sông Đồng Nai mà hậu quả sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, gây xói lở bờ sông”- thông báo của VRN nêu rõ.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng, dự án lấn sông khi triển khai cần nhìn nhận về mặt kỹ thuật có cho phép hay không. Tiếp đó là giá trị phát triển bền vững, công trình này không phải làm cho 5-10 năm, mà phải nghĩ đến thời gian lâu hơn. Một dự án như vậy nói không ảnh hưởng dòng chảy và tác động môi trường thì rất vô lý.
Tiến sĩ Long cho biết thêm, ngoài ảnh hưởng đến dòng chảy, xói mòn bờ sông thì môi trường sinh thái cũng sẽ có nguy cơ biến mất. Khi tạo vật cản bê tông lớn, lấn chiếm ra 100m trên mặt sông, theo nguyên tắc sẽ hình thành bậc thang trụ, như vậy việc lấn sông thực tế sẽ ra tới 400-500m. Khi đáy sông thay đổi sẽ tạo dòng xoáy hàm ếch phía dưới, gây tình trạng sạt lở bờ bên kia là điều không tránh khỏi.
Dự kiến, sáng ngày 28/3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ làm việc tới tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan dự án này.
Trung Kiên – Vĩnh Thủy