1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cù lao "bấp bênh" trước dự án lấn sông Đồng Nai

(Dân trí) - Trái ngược với không khí nhộn nhịp, hối hả trên công trường san lấp sông Đồng Nai là sự lo âu, bất an của những người dân sinh sống tại ấp Nhị Hòa, cù lao xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

Hiểm họa sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi, đe dọa trực tiếp cuộc sống cư dân vùng này chỉ còn ính bằng ngày nếu như việc lấp sông vẫn tiếp diễn...

Công trường lấp sông Đồng Nai nhìn từ phía cù lao xã Hiệp Hòa.
Công trường lấp sông Đồng Nai nhìn từ phía cù lao xã Hiệp Hòa.

Nạn cát tặc,  giải tỏa… chưa qua

Sông Đồng Nai theo dòng chảy về hạ du, đoạn qua TP Biên Hòa dòng sông chia 2 nhánh ôm trọn cù lao xã Hiệp Hòa. Bao thế hệ cuộc sống người dân nơi này đã gắn liền với dòng sông hiền hòa, uốn lượn theo quy luật tự nhiên của nó.

Lịch sử hơn 300 hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ, cù lao Phố (tên gọi xưa cù lao xã Hiệp Hòa) đã từng có những giai đoạn thịnh vượng là thương cảng buôn bán sầm uất “trên bến dưới thuyền” của cả vùng đất Nam Bộ trù phú.

Công trình vẫn “vô tư” thi công bất chấp dư luận.
Công trình vẫn “vô tư” thi công bất chấp dư luận.
Công trình vẫn “vô tư” thi công bất chấp dư luận.

Nhưng rồi nạn “cát tặc” ào đến cào xé, rút ruột lòng sông, khiến cuộc sống nơi đây thay đổi.

Đêm nào cũng vậy, “cát tặc” hoành hành dọc theo khúc sông qua cù lao với thủ đoạn hết sức tinh vi, khi các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao, chúng cho người theo dõi hễ không thấy người thi hành công vụ là chúng hút trộm cát. Tiếng máy  chát chúa, inh ỏi làm cho người dân cù lao cũng như người dân sinh sống dọc đôi bờ không thể chợp mắt. Bà Trần Thị Lan – chủ một ngôi nhà ven sông, cạnh cầu Ghềnh cho biết.

Nạn khai thác cát trái phép diễn ra đã nhiều năm, làm cho nhà cửa, ruộng vườn của người dân ấp Nhị Hòa, cù lao xã Hiệp Hòa cứ lần lượt trôi xuống sông, do bị xói mòn, sạt lở. Đứng ở miếu Năm Bà nhìn dọc triền sông những ngày thủy triều xuống cạn mới thấy hết hậu quả do “cát tặc” gây ra.

Đá tảng 
Đá tảng  lớn đang  được đẩy xuống sông.

Trong khi nạn cát tặc cùng tình trạng xói mòn, sạt lở làm cho người dân mất ăn, mất ngủ chưa có hướng giải quyết, thì nỗi lo bị giải tỏa ập đến. Bà Lài người dân ngụ ấp Nhị Hòa cho biết: Năm 2012, các hộ gia đình ven sông  của ấp nhận được thông báo thuộc diện giải tỏa cho dự án làm bờ kè ven sông, tính từ mép sông vào sâu tới 40 mét.

Sau đó vào tháng 10/2014, cán bộ địa phương lại xuống điều chỉnh địa giới thực tế một lần nữa. Hai lần với hai mốc giới điều chỉnh khác nhau,  làm cho người dân hết sức hoang mang, không biết cuộc sống rồi đây sẽ ra sao khi nhà cửa thuộc hành lang giải tỏa cho việc xây dựng công trình - Nếu nhà nước làm bờ kè ven sông, nhà cửa bị giải tỏa, không biết sẽ lấy gì để sống. Bà Lan nói với tâm trạng buồn rầu.

Ghi nhận thực tế cho thấy, câu chuyện giải tỏa nhà, phục vụ công trình kè ven sông, những ngày này một lần nữa lại “nóng” lên và trở thành nỗi lo lắng của người dân ấp Nhị Hòa, xã cù lao Hiệp Hòa. Mai này không biết có còn bị dời đi nữa hay không...

Nỗi sợ sạt lở… ập đến!

Từ ngôi nhà của ông Đào Xuân Trực (ngụ ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) ở khu Cù lao phóng tầm mắt về phía công trường lấp sông Đồng Nai, nơi công trình vẫn đang từng ngày từng giờ được hối hả san lấp,  hầu như ai cũng cảm nhận được Sông Đồng Nai đang bị “bóp nghẹt” như thế nào.

Là người sinh ra, và gắn bó trọn cuộc đời với cù lao Phố, ông Trực cho biết, phía trước nơi công trình lấp sông đang diễn ra có một thoi cát chạy dài chia đôi dòng chảy sông Đồng Nai theo 2 nhánh, nhánh nhỏ bao quanh cù lao xã Hiệp Hòa, nhánh lớn chảy qua cầu Ghềnh về hạ du.

Đá tảng khi được đẩy xuống sông, nhìn trên mặt nước sẽ
Đá tảng khi được đẩy xuống sông, nhìn trên mặt nước sẽ lấn ra khoảng 100 mét. Song, thực tế dưới đáy sông sẽ lấn 300-400 mét – khiến “bóp nghẹt” dòng chảy sông Đồng Nai.

Mùa mưa lũ vào các tháng cao điểm 8, 9,10 nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về cùng việc xả lũ của hồ thủy điện Trị An về tới đoạn sông này giống như một túi nước tự nhiên trước khi được dòng chảy điều tiết chia theo 2 nhánh lớn và nhỏ, tình trạng sạt lở là nỗi lo thường xuyên đối với người dân ấp Nhị Hòa nói riêng, xã cù lao Hiệp Hòa nói chung.

Nay lòng sông bị san lấp, bóp nghẹt, nước từ thượng nguồn sẽ chảy thẳng vào cù lao trước khi được chia ra 2 nhánh… Sạt lở, cuốn trôi của cư dân nơi đây giờ không chỉ là nỗi lo nữa mang  đã mang hình ảnh của “hiểm họa” khó lường. Không chừng ấp Nhị Hòa sẽ bị “xóa sổ” chỉ trong trong vài ba mùa mưa tới - Sự bất an thể hiện rõ trên khuôn mặt ông Trực.

Đoạn sông sát với cù lao xã Hiệp Hòa bắt đầu được san lấp.
Đoạn sông sát với cù lao xã Hiệp Hòa bắt đầu được san lấp.

Nhìn con nước thủy triều đang lên với các khóm hoa lục bình trôi lênh đênh, ông Trực  phân tích thêm: Khi công trình lấp sông được tiến hành đã thấy rất rõ dòng chảy tự nhiên bị thay đổi. Khi thủy triều dâng,  nước sẽ bị đẩy thẳng lên chứ không lượn vào bờ trước khi bị đẩy nữa, trong khi chính việc “lượn” vào bờ sẽ giúp giảm thiểu những hệ lụy (!). 

Còn với ông Trần Mạnh – cũng là một cư dân của vùng này, thì: “Tôi thường xuyên theo dõi thông tin thường xuyên trên các báo,  nên khi khi công trình này được khởi công vào tháng 9/2014, người dân cứ ngỡ đây là công trình cải tạo cảnh quan dọc bờ sông nối với công viên Phan Văn Trị.  Không ngờ khi phía đơn vị thi công đưa người cùng các phương tiện máy cuốc, máy ủi, xà làn trở đá tảng ồ ạt lấp sông lấn ra hàng trăm mét, thi công cả ngày lẫn đêm… Lúc ấy, chúng tôi mới biết là họ lấp sông để xây khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng…

Dự án lấp sông Đồng Nai đã vấp phải phản ứng từ nhiều tổ chức, cơ quan chức năng, ấy  vậy mà không hiểu sao vẫn được tiến hành bất chấp dư luận. Nếu việc lấp sông vẫn tiếp diễn và khánh thành thì hậu quả người dân cù lao xã Hiệp Hòa hứng chịu thật khôn lường trong mùa mưa tới – ông Mạnh thắc mắc.

Khi thủy triều dâng, dòng chảy bị “nắn” thay đổi… mùa mưa tới dòng chảy
sẽ ra sao?
Khi thủy triều dâng, dòng chảy bị “nắn” thay đổi… mùa mưa tới dòng chảy sẽ ra sao?

Không chỉ thế,  nếu xét theo “luồng ý kiến” phản biện từ các chuyên gia về dự án lấn sông mà tỉnh đồng  Đồng Nai đang triển khai sẽ có thể kéo theo hệ lụy:  khiến dòng chảy của sông bị thu hẹp, tạo ra dòng nước chảy xiết. Từ đó, sẽ khiến hiện tượng xói lở thêm nghiêm trọng gây tình trạng ngập nặng kéo dài không chỉ cho cư dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến cả những vùng lân cận thuộc địa phận TP.HCM…

Cũng theo tính toán của  một số chuyên gia, hệ lụy từ công trình này có khả năng xảy ra trong mùa mưa lũ, khi ấy việc lấp sông sẽ thu hẹp dòng chảy, kết hợp với việc xả lũ từ các hệ thống thủy điện trên thượng nguồn sông… khiến tình trạng ngập úng sẽ là điều khó tránh khỏi.

Và  phải chăng, tương đồng với những tính toán ấy, khi ghi nhận cuộc sống thực tế của cư dân vùng này của PV Dân trí cho thấy, công trình “lấn” sông Đồng Nai đã và đang tạo nên sự bất an, lo lắng “bao trùm” lên những dân cư của ấp Nhị Hòa.

                                                                                             Quang Đạm - V.Khuê