1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vụ Đồng Nai cho lấp sông làm dự án

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết Bộ đang nghiên cứu hồ sơ vụ việc tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông Đồng Nai để thực hiện dự án gây bức xúc dư luận những ngày qua để có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Công trường lấp sông Đồng Nai làm dự án (Ảnh: Trung Kiên).
Công trường lấp sông Đồng Nai làm dự án (Ảnh: Trung Kiên).

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường chiều 27/3, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý để tỉnh Đồng Nai phê duyệt, cho phép Công ty CP Đầu tư- Kiến trúc- Xây dựng Toàn Thịnh Phát san lấp 7,7 ha sông Đồng Nai làm dự án như thế có phù hợp, đúng quy định hiện hành ?. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khẳng định dự án lấn sông này vi phạm nhiều quy định trong Luật Tài nguyên nước nhưng tại sao đến giờ Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa lên tiếng về việc này ?. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (ĐTM) do Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai thẩm định có đúng thẩm quyền và phù hợp với các quy định của pháp luật không ?.

Trả lời, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - cho biết ngày mai ông sẽ vào Đồng Nai để tham gia cùng đoàn chuyên gia của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực địa dự án lấp sông Đồng Nai.

“Đến giờ Cục Quản lý tài nguyên nước chưa nhận được bất cứ một văn bản, tài liệu chính thức nào của tỉnh Đồng Nai tham vấn về vấn đề này”- ông Bảy nói.

Vậy dự án này có chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước không? “Theo số liệu thì dự án có trên 90% đất của dự án lấn sông Đồng Nai, còn lại một phần ít nhiều nằm trong hành lang bảo vệ sông Đồng Nai nên phải chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật khác nhau. Nhưng dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì chúng tôi thấy rằng dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật tài nguyên nước. Những vấn đề liên quan đến dự án này như lưu thông dòng chảy, thoát lũ phải được tính toán xem xét trên toàn thể hệ thống sông Đồng Nai”- ông Bảy phân tích.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết hôm nay (27/3) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến đã ký công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo rõ quy mô dự án, thẩm quyền cấp phép, quá trình triển khai thực hiện và đặc biệt là các vấn liên quan đến quản lý tài nguyên môi trường.  

“Sông Đồng Nai có vai trò đặc biệt quan trọng với 11 tỉnh thành nên nên tất cả các dự án xây dựng tác động vào dòng sông đều có nguy cơ tác động xấu và phải tham vấn các địa phương trong phạm vi ảnh hưởng như TPHCM, Bình Dương… Đồng Nai cần đặc biệt lưu ý vấn đề này khi Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai hiện nay là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai”- ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, với diện tích triển khai dự án là 7,7 ha thì ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai.

Sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định việc san lấp 7,7 ha sông Đồng Nai phải tuân thủ các quy định trong Luật Tài nguyên nước. “Đã nói tới sông hồ, nguồn nước phải chịu sự chi phối của Luật Tài nguyên nước”- ông Lai nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai.

Ông Lai nói tiếp: “Như các chuyên gia, nhà khoa học nói, dự án này có khả năng ảnh hưởng tới sông Đồng Nai - một trong những con sông rất quan trọng của Việt Nam chảy qua 11 tỉnh, thành phố. Bộ Tài nguyên và Môi trường không nhận được báo cáo nào về việc triển khai dự án này. Sau khi biết thông tin qua báo chí, chúng tôi đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cung cấp thông tin, đồng thời cử đoàn công tác đi kiểm tra thực địa, thu thập tài liệu, số liệu và thẩm tra việc tính toán các thông tin số liệu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện trước đây xem có đúng không”.

Theo ông Lai, mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai nói rằng trình tự thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật, báo cáo đánh giá tác động dòng chảy cho thấy tác động của dự án không đáng kể, nhưng với trách nhiệm quản lý mà Chính phủ giao phó, trong đó đặc biệt là việc bảo đảm sự an toàn của nguồn nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã chỉ đạo rà soát lại xem thẩm quyền phê duyệt dự án tới đâu.

“Tôi nghĩ rằng dự án này có những tác động đương nhiên tới dòng sông Đồng Nai nhưng mức độ tới đâu cần đánh giá cẩn thận. Kết quả cụ thể chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông tin rộng rãi tới báo chí được biết”- ông Lai cho biết.

          Phải xin ý kiến cộng động dân cư.                                     

Khoản 5 Điều 9 Luật Tài nguyên nước quy định nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.

Đặc biệt tại Điều 6 Luật này quy định việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các hoạt động sau đây:

a) Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình và gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư;

b) Công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện;

c) Kinh phí thực hiện hoạt động quy định tại khoản này do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả.

Thế Kha