1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có đường gom cụt?

(Dân trí) - Ông Trần Văn Chương- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G - khẳng định, thực tế hiện nay đường gom thuộc dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang là đường gom cụt, không phát huy hiệu quả kết nối phục vụ giao thông, không có hiệu quả cả về kinh tế xã hội và tài chính của dự án. Bộ GTVT cần xem xét điều chỉnh.

Sau khi Dân trí phản ánh về việc lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra quan điểm vênh nhau trong việc xử lý phần đất xen kẹt giữa dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội gây ồn ào thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có văn bản phản hồi.

Theo văn bản của ông Nguyễn Nhật, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi tới TP Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (chủ đầu tư Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội) để thông tin rằng việc thu hồi phần đất xen kẹt giữa phạm vi giải phóng mặt bằng dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ và khu công nghiệp này do TP Hà Nội quản lý nên thuộc thẩm quyền của Hà Nội xem xét, quyết định.

Gần đây, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hiện nay Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp các ý kiến liên quan để trả lời.

Ông Nguyễn Nhật cho rằng nội dung văn bản của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường gửi tới TP Hà Nội không khẳng định việc cần thiết phải mở rộng đường gom mà chỉ đề nghị cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu, có ý kiến về đề xuất điều chỉnh đường gom của Công ty N&G.

“Đây chỉ là ý kiến của các cơ quan có liên quan trong quá trình xử lý, không phải ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G”- văn bản của ông Nguyễn Nhật nêu.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G cho rằng dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ thiết kế đường gom cụt, không đáp ứng được việc kết nối phục vụ giao thông.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G cho rằng dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ thiết kế đường gom cụt, không đáp ứng được việc kết nối phục vụ giao thông.

Tuy nhiên phản ánh tới Dân trí, ông Trần Văn Chương- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G lại bày tỏ thái độ không đồng tình với Bộ GTVT.

Ông Chương phân tích, dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ có thiết kế hệ thống đường giao thông từ lý trình Km 210+740 giáp tỉnh lộ 428 đến điểm cuối dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là Quốc lộ 1A tại vị trí Cầu Giẽ vượt đường sắt (trước đây điểm cuối của tuyến đường gom tại Km211+256). Với chiều rộng mặt cắt ngang 6,5m đến đường gom này bị cụt với điểm cuối lơ lửng giữa dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn I, không phát huy được việc kết nối giao thông, không phục vụ được nhu cầu đi lại của huyện Phú Xuyên cũng như nhu cầu giao thông của khu công nghiệp.

Do đó Công ty N&G đã có đề xuất Bộ GTVT xem xét điều chỉnh mở rộng và kéo dài khoảng 1,5 km tuyến đường gom nhằm kết nối giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

Sau khi trao đổi với Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư tuyến đường gom theo chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt với mặt cắt ngang tuyến B=20,5m trên toàn tuyến. Nghiên cứu tổ chức lại giao thông tại nút giao Đại Xuyên để các phương tiện lưu thông trên làn đường cao tốc từ Ninh Bình hướng về trung tâm Hà Nội có thể rẽ ra Quốc lộ 1A cũ xuống khu vực Thường Tín, Phú Xuyên.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có liên quan lập quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng hoàn thiện nút giao Đại Xuyên, trong đó cần lưu ý đến phương án kết nối với Khu công nghiệp Nam Hà Nội giai đoạn 1 và giai đoạn 2.

“Bản thân lãnh đạo Bộ GTVT cũng có cái nhìn trái chiều. Trong đó văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký tập trung vào việc nghiên cứu mở rộng đường gom để phục vụ cho mục tiêu phát triển giao thông, phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội thì văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký lại hướng trọng tâm vào vấn đề thu hồi đất xen kẹt nhằm hoàn trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho N&G Corp”- ông Trần Văn Chương nêu quan điểm.

Ông Chương khẳng định, thực tế hiện nay đường gom thuộc dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đang là đường gom cụt, không phát huy hiệu quả kết nối phục vụ giao thông.

“Tại sao Bộ GTVT không xem xét điều chỉnh theo đề nghị của UBND TP Hà Nội?. Tại sao Bộ GTVT chỉ chú trọng vào vấn đề thu hồi đất xen kẹt mà bỏ quên vấn đề rất quan trọng là dự án bỏ ra số tiền nhiều tỷ đồng để làm đường gom cụt không đáp ứng được việc kết nối phục vụ giao thông, không có hiệu quả cả về kinh tế xã hội và tài chính của dự án. Cần trả lời rõ việc quy hoạch và đầu tư tuyến đường gom này theo đề nghị của UBND TP Hà Nội và Công ty N&G Corp có sai không và có tránh được lãng phí hàng trăm tỷ đồng khi làm đường gom cụt không?”- ông Chương nêu quan điểm.

Liên quan đến việc này, theo nguồn tin của chúng tôi, Bộ GTVT đang tiến hành làm rõ về quan điểm chỉ đạo trái ngược nhau xung quanh việc chỉ đạo giải quyết xử lý phần đất xen kẹt giữa dự án BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ và dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm