1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đóng cửa nhà máy mía đường "nợ như chúa chổm"

Thái Bá

(Dân trí) - Ngoài nợ 7,4 tỷ đồng tiền thuế, Công ty CP mía đường Hòa Bình còn nợ người dân số tiền hàng tỷ đồng và không có khả năng trả nợ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình vừa ban hành quyết định về việc ngừng hoạt động Nhà máy mía đường Hòa Bình (Công ty CP mía đường Hòa Bình) tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn.

Đóng cửa nhà máy mía đường nợ như chúa chổm - 1

Nhà máy mía đường Hòa Bình cửa đóng then cài nhiều năm qua (Ảnh: Nguyễn Minh).

Theo quyết định, Nhà máy mía đường Hòa Bình sẽ ngừng hoạt động 3 tháng kể từ ngày ký quyết định. Nguyên nhân dẫn đến việc ngừng toàn bộ dự án là do trong quá trình hoạt động, công ty chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, công ty này đang nợ 7,4 tỷ đồng tiền thuế, đã được khoanh nợ vào năm 2020 do doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và đã dừng hoạt động.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, mới đây tại cuộc kiểm tra tình hình triển khai dự án, nhà máy sản xuất đường của Công ty CP mía đường Hòa Bình đang trong tình trạng đóng cửa, không hoạt động, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Đóng cửa nhà máy mía đường nợ như chúa chổm - 2

Nhiều trang thiết bị, máy móc trong nhà máy bị bỏ hoang hư hỏng nặng (Ảnh: Nguyễn Minh).

Chính quyền cũng như người dân phản ánh, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã nợ tiền thu mua mía nguyên liệu, với số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, nhà máy không còn người làm việc.

Ông Bùi Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết, Công ty CP mía đường Hòa Bình chuyển từ TP Hòa Bình về đặt tại địa phương, bắt đầu đi vào hoạt động năm 2017. Đến niên vụ mía năm 2018-2019 thì công ty bắt đầu nợ dân.

"Hiện nay nhiều hộ dân trong xã bị nợ với tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Ngoài nợ tiền của người dân trong xã, nhà máy còn nợ tiền ở nhiều xã khác", ông Toàn cho hay.

Đóng cửa nhà máy mía đường nợ như chúa chổm - 3

Dự án nhà máy mía đường Hòa Bình đã ngừng hoạt động, ngân hàng đang tiến hành thủ tục thanh lý tài sản (Ảnh: Nguyễn Minh).

Theo lãnh đạo UBND huyện Lạc Sơn, ngân hàng đang tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản tại nhà máy mía đường. Địa phương cũng đề nghị ngân hàng ưu tiên về khoản tiền mà nhà máy đang nợ người dân sau khi nhà máy được thanh lý.

Anh Bùi Văn Quý (40 tuổi) chia sẻ, khi nhà máy mới đến xây dựng hoạt động tại địa phương, người dân ai cũng mừng. Chỉ được vài năm thì thấy ngừng sản xuất rồi đóng cửa. Từ đó đến nay, nhà máy không hoạt động trở lại, nhiều gia đình cũng không còn trồng mía nữa vì không có ai thu mua.

Dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng. Đây là nhà máy mía đường duy nhất tại tỉnh Hòa Bình. Trước kia nhà máy này đóng tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, sau đó được di dời đến xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn.