1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Đôi bờ sông Vĩ tuyến sau 42 năm thống nhất

(Dân trí) - Vĩ tuyến 17 – sông Bến Hải từng nắm trọng trách lịch sử là ranh giới ngăn đôi đất nước thành 2 miền Bắc – Nam trong những năm chiến tranh khốc liệt. 42 năm, mảnh đất đạn bom ấy đã khoác lên mình một diện mạo mới, với sự thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Đi qua vùng giới tuyến Vĩnh Linh, Quảng Trị không khó để nhận ra sự thay đổi về kinh tế, xã hội nơi từng bị bom, đạn chiến tranh cày xới nham nhở. Mảnh đất ấy đã hồi sinh một cách kỳ diệu, bộ mặt phố thị Hồ Xá, Gio Linh được hình thành, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, cánh đồng lúa, hồ tôm trải dài, đồi cao su bát ngát… Đó là thành quả của quá trình xây dựng và phát triển sau 42 năm đất nước thống nhất đã và đang hiện diện dọc hai bờ Vĩ tuyến 17. Bên cạnh đó là sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị.

Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Ngược về quá khứ, Hiệp định Genevơ năm 1954 được ký kết đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Sau ngày đất nước hòa bình, quân và dân dọc hai bờ Vĩ tuyến đã bắt tay vào san lấp lại những hố bom từng bị cày xới, khắc phục hậu quả chiến tranh để phát triển sản xuất. Công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ban đầu gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng với truyền thống anh hùng, bất khuất, không chịu khuất phục trước khó khăn đã được chứng minh trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cùng với sự kiên gan, bền bỉ đã đưa đến những thay đổi về cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn, cuộc sống của mỗi người dân.

Mảnh đất Vĩnh Linh nằm ở bờ Bắc sông Bến Hải sau chiến tranh được xây dựng trên đống tro tàn đổ nát, nhân dân thiếu ăn từng bữa. Trong quá trình xây dựng, nhờ tính cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu, Vĩnh Linh đã đứng vững trên “mặt trận” kinh tế.

Sau 42 năm đổi mới và phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Vĩnh Linh đã có 14/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo lộ trình đến cuối 2020 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Vĩnh Linh lấy sản xuất nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh trồng cây lương thực thì chú trọng phát triển cây công nghiệp lâu năm như: cao su, hồ tiêu giúp người dân làm giàu bền vững. Nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật được đưa vào canh tác hỗ trợ sức người, tăng năng suất lao động.

Nằm trên QL1, thị trấn Hồ Xá là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của huyện Vĩnh Linh, mang dáng dấp của đô thị loại IV. Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như y tế, thể dục thể thao, văn hóa, thương mại dịch vụ đang được củng cố và phát triển.

Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh hôm nay (Ảnh: Trang TTĐT Vĩnh Linh)
Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh hôm nay (Ảnh: Trang TTĐT Vĩnh Linh)

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nhìn nhận, những địa phương này một thời là túi bom, là vùng tuyến đầu của miền Bắc gánh chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Những năm qua, người dân đã chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, lập các mô hình kinh tế, nhiều tấm gương trẻ làm giàu xây dựng quê hương được hình thành nơi miền “tuyến lửa”.

Những hồ nuôi tôm bên cạnh đồng lúa xanh mướt
Những hồ nuôi tôm bên cạnh đồng lúa xanh mướt

Những năm gần đây, người dân phía bờ Bắc sông Bến Hải đã biết tận dụng lợi thế để chuyển đổi hướng sản xuất, thay đổi cuộc sống. Ông Nguyễn Ngọc Phượng vốn là một cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ về quê được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương ông mạnh dạn đấu thầu và nuôi trồng thủy hải sản ngay sát dòng sông Bến Hải. Với 1ha diện tích mặt nước, ông nuôi các loại cá, tôm, cua. Bên cạnh đó, ông triển khai trồng tiêu và hơn một mẫu lúa. Từ mô hình của mình, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Phượng cho biết: “Tôi là một cựu chiến binh trở về quê hương, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi tiến hành nuôi trồng thủy, hải sản. Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh hay nguồn giống, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi phát triển, con cái ăn học đến nơi đến chốn...”

Đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn về bờ Nam sông Bến Hải, nằm sát vĩ tuyến 17 là xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nơi đây năm xưa từng là điểm đầu giới tuyến miền Nam, là những hàng thép gai lũy chiến, lô cốt, nay được phủ lên một màu xanh của đồng lúa.

Chúng tôi tìm về mô hình kinh tế tổng hợp của ông Bùi Ngọc Hùng (50 tuổi, trú thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) được dựng lên trên nền đất năm xưa bị hủy diệt bởi bom đạn. Vì là vùng đất trũng, bom đạn còn sót lại nhiều nên việc lập nghiệp, định cư ở đây phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trung Hải nhiều đau thương, mất mát, ông Hùng ý thức được việc bám trụ làm giàu, góp phần xây dựng, thay đổi diện mạo của quê hương.

Sau khi rời quân ngũ, ông Hùng chọn mô hình nuôi tôm để khởi nghiệp. Với vốn liếng ít ỏi trong tay, ông Hùng chật vật vay mượn bà con, nuôi một hồ tôm để làm bước khởi đầu. Dần dần, khi đã ổn định, ông mạnh dạn dầu tư thêm, mở rộng ra đến nay hơn 2 ha hồ tôm. Mỗi năm ông Hùng thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Hùng tiếp tục đầu tư các mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng tại quê nhà, lập thêm mô hình đúc bờ lô bán cho bà con.

Ông Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hải cho biết: “Sau 42 năm xây dựng và phát triển, kinh tế, xã hội tại địa phương đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng cao. Trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nay đã mở rộng sang nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ, thương mại… nên đời sống ổn định, thu nhập được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,8%. Văn hóa, xã hội, giáo dục được chú trọng và có nhiều khởi sắc. Xã Trung Hải được công nhận là xã Anh hùng vào 12/1972, sớm nhất của huyện Gio Linh”.

Chạy dọc theo tuyến hàng rào điện tử Mc-Namara năm xưa, những vết tích đau thương của chiến tranh đã dần được xóa nhòa. Từ những hố bom loang lổ sau khi được san lấp, bây giờ đã biến thành những hồ nuôi tôm giàu sức sống, đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân xã Trung Hải nói riêng và huyện Gio Linh nói chung.

Quảng Trị sẽ tổ chức nhiều hoạt động dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất

Những ngày này, vùng đất giới tuyến 17, nơi có cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, sau Hiệp định Giơnevơ (1954) được chọn làm ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Bắc – Nam lại đỏ rực cờ, hoa trước ngày lễ lớn. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước lại trở về “vùng đất lửa” để tham quan, tìm hiểu về quá khứ đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam trong những năm kháng chiến.

Vĩ tuyến 17 - Quảng Trị ngày ấy, bây giờ

Kỳ đài Hiền Lương được trang trí cờ, hoa trước ngày hội Thống nhất non sông
Kỳ đài Hiền Lương được trang trí cờ, hoa trước ngày hội Thống nhất non sông

Năm nay, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972- 1/5/2017). Lễ hội thống nhất non sông sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Lễ thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương, lễ hội đua thuyền truyền thống, chương trình giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông”.

Cầu Hiền Lương những năm kháng chiến chống Mỹ được chọn làm ranh giới tạm thời chia cắt hai miền
Cầu Hiền Lương những năm kháng chiến chống Mỹ được chọn làm ranh giới tạm thời chia cắt hai miền

Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn đang được tiến hành gấp rút. Theo đó, Lễ thượng cờ thống nhất non sông, Lễ hội đua thuyền truyền thống sẽ diễn ra vào sáng 30/4.

Đặc biệt, năm nay vừa tròn 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2017), đồng thời kỷ niệm 45 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Chương trình giao lưu nghệ thuật tổ chức vào tối 30/4, mang tên “Quảng Trị - Ký ức những dòng sông” nằm trong khuôn khổ Lễ hội “Thống nhất non sông 2017” là một thông điệp về niềm tự hào, sự tri ân, khát vọng hoà bình và hoà hợp dân tộc, do báo Nhân Dân và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tại bờ Nam cầu Hiền Lương, trong khuôn viên di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.

Du khách đến tham quan tại Bảo tàng Vĩ tuyến 17 và Khát vọng thống nhất tại Di tích Hiền Lương (Ảnh: Đ. Đức)
Du khách đến tham quan tại Bảo tàng "Vĩ tuyến 17 và Khát vọng thống nhất" tại Di tích Hiền Lương (Ảnh: Đ. Đức)

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, sông Bến Hải và cầu Hiền Lương là địa danh lịch sử gắn liền với biểu tượng của lòng yêu nước, khát vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân. Trên mảnh đất Quảng Trị đau thương mà anh dũng, những dòng sông, cây cầu, bến nước cũng như người dân vùng giới tuyến, phải chịu bao tang tóc, nếm trải bao nỗi uất hận trong chiến tranh. Nhiều câu chuyện xúc động sẽ được các nhân vật lịch sử kể lại, sẽ cho mọi người biết được sự khốc liệt của chiến tranh, quá trình đấu tranh bền bỉ, anh dũng của quân và dân ta dọc đôi bờ sông giới tuyến.

Đăng Đức