1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hẹn đúng ngày 30/4/1975 sẽ trả lời câu hỏi "Hạnh phúc là gì?"

(Dân trí) - "Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi. 4 năm nữa, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. 30/4/1975, thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào?

Những lá thư thời chiến Việt Nam.
Những lá thư thời chiến Việt Nam.

Đó là những dòng tâm sự được Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc ghi lại trong hàng trăm bức thư được sưu tầm và đăng trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, Nhà xuất bản CAND xuất bản năm 2015. Và tôi đặc biệt ấn tượng 1 lá thư của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc gửi cho người yêu là cô Phạm Thị Như Anh.

Với góc độ là một độc giả là giáo viên dạy Sử, điều mà tôi thấy lạ nhưng không tài nào giải thích nổi là trong lá thư đó, Nguyễn Văn Thạc đã có một lời hẹn ước dành tặng cho người bạn gái cùng trường cấp 3 Yên Hòa thuở ấy bằng một lời hẹn “Đúng ngày 30/4/1975 sẽ trả lời câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”.

Hẹn đúng ngày 30/4/1975 sẽ trả lời câu hỏi "Hạnh phúc là gì?" - 2

“Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, Nhà xuất bản CAND xuất bản năm 2015.
“Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu, Nhà xuất bản CAND xuất bản năm 2015.

Như chúng ta đã biết, cách đây 12 năm, 2 cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do Nhà Văn Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn vừa xuất bản đã trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2005 do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức bình chọn.

Đến năm 2015, cuốn sách Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam của Nhà xuất bản CAND ấn hành .

Khi quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” được “khai sinh” mà chính Nhà văn Đặng Vương Hưng là thành viên sáng lập thì trong giai đoạn đầu đầy khó khăn, chính gia đình chị Phạm Thị Như Anh đã nhường 1 căn phòng nhỏ của ngôi nhà 72 Nguyễn Du để làm “đại bản doanh” phục vụ hoạt động của quỹ.

Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu những bức thư thời chiến Việt Nam.
Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu những bức thư thời chiến Việt Nam.

Trong nhiều bức thư, anh Thạc dặn Như Anh giữ gìn kỷ niệm “máu thịt”, nếu sau này có đến với ai thì đừng để họ đọc thư, bởi họ sẽ không thể không ghen trước tình yêu của hai người.

Như Anh đã làm đúng lời Nguyễn Văn Thạc dặn. Bà cất giữ các bức thư như báu vật. Cho đến trước khi cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” xuất bản, chưa một ai ngoài Như Anh được đọc những lá thư này, kể cả người chồng ngoại quốc của Như Anh, dù rằng người này rất giỏi tiếng Việt.

Theo bà Như Anh, có nhiều bức thư mà Nguyễn Văn Thạc viết, sau này ngẫm lại bà thấy dường như anh đã “tiên đoán” được nhiều sự kiện.

Ví dụ trong lá thư của Như Anh ngày 24/4/1971, Như Anh có kể cho anh Thạc nghe về một buổi học Nga văn, mọi người có đặt ra câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?”. Như Anh cho rằng: “Hạnh phúc không như những niềm vui bình thường, nó là cái gì đó lớn hơn và khó tìm thấy!”.

Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng cùng thấy Trần Trung Hiếu trong một lần giao lưu.
Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng cùng thấy Trần Trung Hiếu trong một lần giao lưu.

Trong thư hồi âm, anh Thạc viết: “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi. 4 năm nữa, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. 30/4/1975, thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào” nhé!”.

Trong nhiều bức thư khác, anh Thạc nói mình mơ ước viết được một tác phẩm để đời, kiểu như “Chiến tranh và Hòa bình”, nhưng anh cũng viết: “Như Anh ngày mai làm tiếp cho Thạc, những điều Thạc còn bỏ dở, Như Anh là ngày mai, là tương lai của Thạc”.

Những bức thư quý báu thời chiến còn được lưu giữ.
Những bức thư quý báu thời chiến còn được lưu giữ.

Lá thư cuối cùng Nguyễn Văn Thạc gửi cho Như Anh đề ngày 11/7/1972, như một lời từ biệt: “Chiến tranh đã và sẽ lấy đi nhiều hơn của Thạc. Chả có gì là bi kịch đâu. Trong cuộc sống, cái đổ vỡ, cái bi thảm thường sâu thẳm hơn niềm vui nông nổi”.

Và từ đó, Như Anh không nhận được thêm bức thư nào nữa. Ngày 30/7/1972, người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh trong mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị.

46 năm qua kể từ bức thư cuối cùng mà Nguyễn Văn Thạc gửi cho chị Như Anh và 45 năm anh Thạc anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, tôi thật sự xúc động vì tình cảm của anh và cũng vô cùng bất ngờ vì lời hẹn ước như một lời “tiên tri” đúng ngày 30/4/1975.

Và đôi khi, chính những trang thư, những dòng nhật ký tưởng chừng rất đỗi riêng tư ấy lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử. Có lẽ đó không chỉ là một lời hẹn ước của một người lính mà còn là sự khát vọng của cả một dân tộc làm nên ngày 30/4/1975 thống nhất non sông!

Trần Trung Hiếu

(Giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm