1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp "thoát nạn" sau khi cầu cứu Bộ trưởng Thăng

(Dân trí) - Sau khi kêu oan đến Bộ trưởng Thăng, doanh nghiệp Hưng Long đã được kết luận là không núp bóng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định hay hoạt động như xe dù. Trong khi kết luận trước đó, doanh nghiệp này “suýt” bị thu phù hiệu xe hợp đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

Văn bản do Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện ký, thông báo kết luận kiểm tra về chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải hành khách với công ty Cổ phần vận tải du lịch Hưng Long.

Kết luận trước đó vào tháng 10/2015 được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền công bố. Tại kết luận khi đó, một trong những nội dung quan trọng nhất được cơ quan này xác định là doanh nghiệp chỉ có một hợp đồng vận chuyển cho nhiều chuyến xe mà không ký hợp đồng với từng chuyến một. Đoàn Thanh tra lập luận rằng như vây là “chưa đúng với quy định của Bộ Giao thông Vận tải”. Từ nội dung này, cùng số sai sót khác, đoàn kiểm tra của Tổng cục đã đề nghị Sở Giao thông Hà Nội tiến hành thu phù hiệu 12 trong tổng số 13 xe của công ty du lịch này.

Không phục kết luận kể trên, Công ty Hưng Long đã khiếu nại lên người đứng đầu Tổng cục Đường bộ về một số nội dung mà Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Quyền đã ký. Tuy nhiên, trong công văn trả lời doanh nghiệp sau đó, người ký vào văn bản khiếu nại quyết định kiểm tra lại chính là ông Tổng cuc Phó Nguyễn Văn Quyền. Do đó, nhà xe này một lần nữa khiếu nại lên Tổng cục Trưởng và Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Kết luận kiểm tra mới đối với doanh nghiệp Hưng Long sau khi cầu cứu Bộ trưởng Thăng
Kết luận kiểm tra mới đối với doanh nghiệp Hưng Long sau khi "cầu cứu" Bộ trưởng Thăng

Vào cuối tháng 11/2015, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ đã xác minh lại và đã công bố kết quả với nhiều nội dung mới. Trong đó, đáng chú ý nhất là kết luận lần này không hề khẳng định doanh nghiệp này có sai phạm trong hợp đồng kinh doanh vận tải hành khách mà chỉ là thiếu một số nội dung theo mẫu hợp đồng cơ quan quản lý đã quy định như giá trị của hợp đồng, hoặc số lượng hành khách.

Từ đó, Tổng cục Đường bộ cũng không kiến nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiến hành thu hồi phù hiệu của phần lớn xe hợp đồng như thông báo hồi tháng 10 mà chỉ đề xuất cơ quan quản lý địa phương ban hành văn bản nhắc nhở doanh nghiệp.

Bày tỏ ý kiến về quyết định mới này, lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng sự công tâm của người đứng đầu Tổng cục Đường bộ đã giúp công ty “thoát khỏi bờ vực phá sản”.

Trước đó, như Dân trí đã thông thông tin, trong đơn gửi đến người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT), bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải du lịch Hưng Long đã khiếu nại kết luận thanh tra của Tổng cục Đường bộ là trái quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra.

Bà Hòa cho rằng, doanh nghiệp đã bị o ép nên buộc phải chấp nhận ký vào biên bản làm việc, dẫn đến nội dung kết luận kiểm tra có những thiêt thòi cho công ty và đã gửi đơn khiếu nại tới Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Hưng Long hiện là doanh nghiệp Sở GTVT Hà Nội cấp phép kinh doanh vận tải xe khách theo hợp đồng và theo tuyến cố định với 12 xe giường nằm có tần xuất mỗi ngày hơn 10 chuyến đi các trung tâm du lịch miền Trung như Đồng Hới, Cửa Lò, Hà Tĩnh...

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp vận tải “kêu oan” và được “minh oan” sau khi có kết luận thanh kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, trong nỗ lực Bộ GTVT hướng tới mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Châu Như Quỳnh