Dịch chuyển giàn khoan là hành động ngang ngược mới của Trung Quốc

(Dân trí) - “Động thái Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra xa vị trí đặt giàn khoan ban đầu 23 hải lý không nhằm giảm bớt sự căng thẳng trên biển Đông. Sự dịch chuyển này là một ý đồ, một hành động ngang ngược tiếp theo của Trung Quốc”.

Bàn về sự dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc, TS.Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - cho rằng: “Việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra xa vị trí đặt giàn khoan ban đầu 23 hải lý về phía Đông Đông Nam đảo Tri Tôn, nếu so với vị trí cũ thì sự dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc là mới, nhưng về bản chất thì không. Vì xét về địa lý thì vị trí mới này vẫn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Động thái này chẳng vì nguyên nhân nào cả, và cũng không nhằm giảm bớt sự căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc. Sự dịch chuyển này là một ý đồ, một hành động ngang ngược tiếp theo của Trung Quốc”.
 
Sự lý giải của TS.Trần Công Trục đã đúng khi hôm nay (28/5), phía Trung Quốc đã chính thức tuyên bố hoàn thành khoan thăm dò đợt đầu tiên và dịch chuyển sang vị trí mới để thực hiện mũi khoan thăm dò thứ 2, sự dịch chuyển này được cho là hiện tượng có sự tính toán về quá trình Trung Quốc muốn đặt giàn khoan vào vùng này để tiến hành công việc lâu dài.

TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

“Tiếng nói của dư luận, phản ánh của quốc tế hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc dịch chuyển giàn khoa của Trung Quốc là kịch bản có sẵn và họ đang từng bước thực hiện kịch bản đó, chứ không phải dịch chuyển là từ bỏ và rút giàn khoan, không phải vì áp lực từ dư luận quốc tế mà Trung Quốc tiến hành dịch chuyển giàn khoan. Thực tế là Trung Quốc vẫn cố tình bỏ ngoài tai tất cả những chỉ trích của thế giới đối với hành động của mình, thậm chí họ chủ động đổ lỗi và vu khống cho Việt Nam, thủ đoạn của Trung Quốc là “vừa ăn cướp vừa la làng”” - TS.Trần Công Trục khẳng định.

Khi Trung Quốc bắt đầu hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào đầu tháng, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng đã đưa ra nhậ định rằng dầu khí tại khu vực Trung Quốc tiến hành thăm dò là không lớn, thậm chí là không có. Nhiều người cho rằng, nếu chỉ là mục đích chính trị thì Trung Quốc không cần phải huy động cả lực lượng dân sự và quân sự cho việc này, còn nếu là ý đồ quân sự thì chưa cần phô trương sức mạnh vũ trang thì ai cũng hiểu tiềm lực của một nước lớn như Trung Quốc. Vậy đâu là mục đích chính trong mưu đồ của Trung Quốc?

Phân tích tình hình này, TS. Trần Công Trục nhận định Trung Quốc đang nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên biển Đông, để thực hiện được ý đồ của mình Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng và phương tiện để khống chế không gian, mặt biển, gây ra sự lộn xộn nhằm mục đích cốt lõi là khống chế hoạt động giao thương kinh tế trong khu vực, hoạt động hàng hải đi qua biển Đông sẽ bị ách tắc, trong khi đó đây là tuyến đường hàng hải quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, quân sự…

TS. Trần Công Trục cũng không nghĩ rằng không có nhiều dầu khí ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan thăm dò. Từng có nhiều năm giữ cương vị chủ chốt trong công tác biên giới, biển đảo trong hoạt động của Chính phủ, ông khẳng định người Trung Quốc đã tính toán, thăm dò khá lâu trên vùng biển của nước ta. Những thông tin Trung Quốc công bố cũng khác xa với các nước khác, đặc biệt là thông tin việc Trung Quốc phát hiện khu vực xung quanh vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam có trữ lượng băng cháy rất lớn (nguồn tài nguyên của tương lai loài người).

“Khi Trung Quốc đang đói khát dầu khí thì Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để có được dầu khí, nghĩa là việc Trung Quốc gây hấn không chỉ vì mục đích chính trị mà quan trọng hơn là lợi ích kinh tế, lợi ích kinh tế sẽ chi phối hoạt động chính trị và quân sự trong khu vực này, và đó thực chất là cuộc chiến tranh “mềm”” - TS. Trần Công Trục nhấn mạnh.
 
Châu Như Quỳnh