Đền thờ thần y Đức Thánh Nguyễn, tổ nghề y học Việt Nam
(Dân trí) - Thiền sư, Quốc sư Nguyễn Minh Không có nhiều công lớn trong việc chữa bệnh cho vua, cứu người, được nhân dân vinh danh là thần y, suy tôn là một vị thánh, tổ nghề y học Việt Nam.

Thần y chữa bệnh "hóa hổ" cứu vua
Đền Thánh Nguyễn là ngôi đền cổ, thuộc địa phận xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý.
Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành (1065-1141) người làng Điềm Xá, thuộc phủ Tràng An xưa (nay thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Từ nhỏ, Nguyễn Chí Thành nổi tiếng thông minh, học giỏi, năm 11 tuổi xuất gia, thụ giáo đạo Phật với Từ Đạo Hạnh (là bậc cao tăng nổi tiếng thời bấy giờ).

Quốc sư Nguyễn Minh Không, người được nhân dân phong thánh, là thần y, tổ nghề y dược Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).
Truyền thuyết dân gian còn lưu giữ nhiều huyền thoại về Thiền sư Nguyễn Minh Không, trong đó nổi tiếng về y đức khi ông chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, ban Thiên Y thư (tức kho sách của Trời).
Từ đó, ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu. Các phương thuốc của ông chữa được nhiều bệnh, cứu được nhiều người, từ đó ông được nhân dân vinh danh là thần y, tổ nghề y học Việt Nam.
Quốc sư Nguyễn Minh Không là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý. Cuộc đời của vị Thiền sư, Pháp sư, Dược sư, Quốc sư lỗi lạc có những "hành trạng" kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn. Tên tuổi của ông gắn liền với đời sống nhân dân và truyền thuyết dân gian suốt từ thế kỷ 12 cho đến ngày nay.


Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Các báu vật quý giá bằng đồng ở Việt Nam hiện nay còn lưu giữ được Thiền sư Nguyễn Minh Không cho đúc gồm: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, là những minh chứng rõ nét.
Ông có công lao to lớn, đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phát triển văn hóa dân tộc trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, chính trị xã hội… là nền tảng cho sự phát triển bền vững của văn hóa Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác.
Ngôi đền thờ tổ nghề y học Việt Nam
Dù ở cương vị Quốc sư của một nước nhưng Thiền sư Nguyễn Minh Không, không màng chốn kinh thành hoa lệ mà trở về nơi cảnh thiền tĩnh tuệ vừa tu tập vừa truyền đạo đồng thời dốc lòng nghiên cứu trồng thuốc Nam để trị bệnh cho nhân dân.

Lãnh đạo huyện Gia Viễn, các y, bác sĩ địa phương dâng hương tưởng nhớ, tri ân Thiền sư Nguyễn Minh Không kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (Ảnh: Quang Minh).
Năm 1121, Quốc sư Nguyễn Minh Không rời kinh thành về quê Đàm Xá xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, tên là Viên Quang (Viên Quang tự). Khi ông mất, nhân dân biến ngôi chùa thành đền thờ ngài.
Đền nằm trên mảnh đất dài 100m, rộng hơn 40m, tổng thể kiến trúc khá quy mô xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" (Hán tự). Đền quay hướng Nam, nằm song song với đường Tiến Yết, hướng về cố đô Hoa Lư nên được xem như là một di tích thuộc "Hoa Lư tứ trấn".
Các công trình kiến trúc của đền được bố trí theo trục dọc đăng đối theo đường thần đạo, là điển hình kiến trúc của thời Hậu Lê, hệ thống tường bao chạy dài dọc theo hướng Bắc Nam theo lối Thượng thu hạ thách, che chắn cho các công trình kiến trúc trùng trùng lớp lớp theo chiều sâu vừa hài hòa vừa trang nghiêm.

Lễ hội tại đền Đức Thánh Nguyễn (Ảnh: Quang Minh).
Lịch sử huyện Gia Viễn ghi lại, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngôi đền Thánh Nguyễn từng là nơi dạy trẻ học chữ, học sách thánh hiền, gắn liền với truyền thống hiếu học của quê hương Gia Viễn và là nơi đầu tiên kéo cờ đỏ sao vàng để đi cướp chính quyền huyện vào tháng 8/1945.
Đền Đức thánh Nguyễn đã được công nhận là "Kiến trúc nghệ thuật" cấp quốc gia năm 1990. Hàng năm, nhân dân huyện Gia Viễn tổ chức lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn vào ngày mùng 8-10 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Thiền sư, Quốc sư Nguyễn Minh Không - Tổ nghề Y học Việt Nam.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, huyện Gia Viễn đã tổ chức dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Nguyễn. Dịp này, các y, bác sỹ và nhân dân cũng đổ về đây dâng hương, tham quan nơi Thánh Nguyễn Minh Không trong quá trình tu hành và tìm ra cây thuốc để chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông.


Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, các kiến thức về thảo dược cổ truyền mà Quốc sư Nguyễn Minh Không đã truyền lại, ngày nay vẫn được người dân trong vùng lưu giữ.
"Hiện nay, người dân địa phương vẫn đang ứng dụng các bài thuốc của Thiền sư Nguyễn Minh Không trong sinh hoạt thường ngày. Người dân còn thành lập Hợp tác xã để sản xuất các sản phẩm từ thảo dược xa xưa truyền lại, có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, không độc hại, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe con người bằng các phương thức cổ truyền đậm đà bản sắc Việt Nam", bà Dược nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn chia sẻ thêm, huyện đang xây dựng vườn thảo dược Nguyễn Minh Không nhằm bảo tồn, phát triển thảo dược bản địa gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Trong đó, có các vườn thuốc quý giá như: Vườn thuốc vua, vườn thuốc đời người, vườn thuốc nam thiết yếu … trồng hơn 100 loại thuốc nam thông thường mà người dân vẫn sử dụng.

Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm làm thuốc Nam tại đền thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không (Ảnh: Thanh Bình).
"Đền Đức Thánh Nguyễn Minh Không, không chỉ là công trình nghệ thuật kiến trúc, đang là điểm đến tham quan hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Các nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị về y dược, các loại cây thuốc Nam quý mà Thiền sư Nguyễn Minh Không để lại đang phát huy ý nghĩa lớn về việc "người Nam dùng thuốc Nam" trong chữa trị bệnh đời sống thường ngày", bà Dược nói.