Đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế tài xế ô tô con
(Dân trí) - Tại Điều 9 dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của tài xế ô tô con khi tham gia giao thông.
Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được tách một phần từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực.
Tại Điều 9 dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ô tô con khi tham gia giao thông. Ngoài ra, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách).
Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Thống kê từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124.000, bị thương hơn 367.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.
Trung bình hàng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện như quy tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, tuần tra, kiểm soát,...
Thực tiễn, sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng...
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ,...
Như vậy, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước,...
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 62 điều; trong đó dành riêng 1 chương quy định về các quy tắc giao thông đường bộ.
Theo cơ quan soạn thảo, các nội dung trên là mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.