1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội tối đa 60.000 đồng mỗi lượt

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo đề án được xây dựng, mức phí ngày thường đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ được đề xuất từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (thuộc Sở Giao thông Vận tải) vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Nội dung báo cáo thể hiện, đề án này là cần thiết và là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội. Trong đó, việc thu phí đối với phương tiện giao thông đường bộ là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội tối đa 60.000 đồng mỗi lượt - 1

Theo đề án được xây dựng, mức phí ngày thường đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ được đề xuất từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Về phạm vi khu vực thu phí, đề án xác định việc lựa chọn các đường vành đai làm ranh giới khu vực thu phí là phù hợp vì có điều kiện tổ chức giao thông, bố trí được tuyến đường vòng tránh cho các phương tiện giao thông.

Theo đó, khu vực thu phí có ranh giới giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51 km, diện tích khoảng 150 km2 (bao gồm diện tích tự nhiên của Hồ Tây và các đoạn sông Hồng, sông Đuống).

Đề án cũng nêu ra số lượng bố trí 68 vị trí với 87 trạm thu phí, trong đó giai đoạn 1 (2021-2025) xây dựng 15 trạm thu phí; giai đoạn 2 (2025-2030) xây dựng 59 trạm thu phí và giai đoạn hoàn chỉnh (sau 2030) xây dựng nốt 13 trạm thu phí.

Nhóm đối tượng chịu phí được hướng đến là các phương tiện giao thông cơ giới (ô tô) di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bao gồm: xe ô tô cá nhân (đối tượng chính chịu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân), taxi, xe tải, xe ô tô khách thương mại.

Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe của lực lượng công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa...), xe công vụ, xe buýt công cộng. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.

Dựa trên các nguyên tắc và căn cứ xác định mức thu, đề án đề xuất mức phí ngày thường đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ôtô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội tối đa 60.000 đồng mỗi lượt - 2

Nhóm đối tượng chịu phí được đề án hướng đến là các phương tiện giao thông cơ giới (ô tô) di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Ngoài ra, có thể xem xét mức thu linh hoạt thay đổi theo các khung giờ trong ngày, trong đó giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả các phương tiện. Khung giờ thu phí hàng ngày từ 5h đến 21h, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm và đề xuất không thu phí vào các ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố và hình thức đối tác công tư theo luật PPP.

Do nội dung đề án có đề xuất loại phí (Phí giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường - PV) mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí nên để đề án được thông qua cần phải ban hành bổ sung quy định.

Liên quan đến đề án này, trao đổi với PV Dân trí chiều 29/10, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội từ chối chia sẻ thông tin và đề nghị PV chờ thông tin chính thức từ UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cũng từ chối cung cấp thông tin vì không có thẩm quyền phát ngôn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm