1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất mở rộng khai thác mỏ vàng ở Quảng Nam

Thế Kha

(Dân trí) - Công ty TNHH Vàng Phước Sơn lập kế hoạch huy động 113.466 tấn trữ lượng đưa vào khai thác nhằm đảm bảo nhà máy tuyển luyện vàng hoạt động liên tục; sản phẩm là vàng thỏi.

Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường cho công trình mở rộng mỏ vàng hầm lò Đăk Sa (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (chủ dự án), dự án khai thác mỏ vàng Đăk Sa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2004. Đến năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và mỏ bắt đầu khai thác.

Đề xuất mở rộng khai thác mỏ vàng ở Quảng Nam - 1

Vị trí nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa (Ảnh: Bộ TN-MT).

Năm 2012, doanh nghiệp hoàn thành xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của Dự án khai thác mỏ vàng Đăk Sa - Hạng mục nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa và được Tổng cục Môi trường kiểm tra, cấp giấy xác nhận.

Do khối lượng quặng được phép khai thác còn lại không đủ để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn lập kế hoạch huy động 113.466 tấn trữ lượng còn lại đưa vào khai thác nhằm đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục.

Tổng mức đầu tư của dự án trên 263 tỷ đồng. Dự án thuộc đối tượng phải lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và cấp phép.

Theo báo cáo tham vấn cộng đồng, mỏ Đăk Sa tiếp tục hoạt động sản xuất với công suất khai thác bình quân 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm, đảm bảo cung cấp quặng cho Nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa hoạt động.

Kim loại vàng và bạc sau khi nung luyện được đúc thành thỏi vàng. Sản phẩm của dự án là vàng thỏi >99%.

Đề xuất mở rộng khai thác mỏ vàng ở Quảng Nam - 2

Quy trình công nghệ khai thác mỏ vàng (Ảnh: Bộ TN-MT).

Khu vực mỏ vàng và Nhà máy tuyển luyện vàng Đăk Sa thuộc địa bàn xã Phước Đức, huyện Phước Sơn - cách thị trấn Khâm Đức 12km và cách Đà Nẵng 90km về phía Tây Nam.

Nhà máy nằm trong khu mặt bằng công nghiệp rộng 4,6ha của mỏ vàng Đăk Sa, giữa vùng đồi núi thuộc tiểu khu rừng 675, nằm ngoài vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh.

Lưu lượng nước thải lớn nhất từ nhà máy là 6.000 m3/ngày, tương đương 250 m3/h. "So sánh lưu lượng nguồn thải với lưu lượng suối Đăk Sa cho thấy lưu lượng xả thải của nguồn tương đương với khoảng 4,29% lưu lượng suối Đăk Sa. Như vậy, lưu lượng xả thải hoàn toàn không gây tác động đến chế độ thủy văn dòng chảy", báo cáo cho hay.

Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cam kết về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Cam kết việc xử lý chất thải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp có sự cố, rủi ro về môi trường, doanh nghiệp cam kết bồi thường và khắc phục ô nhiễm môi trường.

Tháo dỡ lán trại của những người làm vàng trái phép

Như Dân trí thông tin, tháng 7 vừa qua, UBND huyện Phước Sơn, Quảng Nam tiếp nhận thông tin từ báo chí về vụ việc nhóm phóng viên đi tác nghiệp tại xã Phước Thành bị một số người đào đãi vàng trái phép dùng hung khí đòi đánh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số lán trại cùng các phương tiện, máy móc của những người làm vàng trái phép nên đã tháo dỡ, tiêu hủy.

Công an huyện Phước Sơn đã triệu tập 2 người có hành vi uy hiếp, dùng hung khí đuổi và dọa đánh nhóm phóng viên. Bước đầu những người này khai do say rượu nên không kiểm soát được hành vi.