Doanh nghiệp khai thác đá "sợ" bị đẩy vào trách nhiệm hình sự
(Dân trí) - Nêu bất cập hiện hành về khai thác khoáng sản, đại diện doanh nghiệp lo lắng sẽ bị "đẩy" vào trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra với cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vừa diễn ra, ông Tống Minh Hiểu (đại diện Hiệp hội đá hoa trắng Yên Bái và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An) có bài phát biểu đáng chú ý.
Theo ông Hiếu, khai thác, chế biến khoáng sản nói chung và đá hoa trắng nói riêng cần vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng được cấp phép ngay khi giấy phép có hiệu lực.
Nhưng thực tế, khi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp không thể khai thác ngay hoặc đưa mỏ vào hoạt động bởi phải thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để được giao đất, cho thuê đất - có những dự án mất cả chục năm.
"Kể cả khi không tổ chức khai thác được hoặc khai thác không đạt công suất cấp phép doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này", ông Hiếu nói.
Mặt khác, tỷ lệ thu hồi đá khối khai thác hiện nay rất thấp, trung bình đạt 3-5%, có những mỏ không có sản phẩm thương mại, trong khi phê duyệt thường xác định đạt 20-30%/mỏ (gồm đá hoa trắng làm bột và đá xây dựng).
Việc đó khiến doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền lớn gấp 5-15 lần để được cấp quyền cho loại đá mà thực tế không có được. "Đây là một gánh nặng tài chính khổng lồ cần phải được đánh giá rất nghiêm túc", ông Hiểu thẳng thắn.
Trong khi Điều 10 Nghị định 67/2019 quy định điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ khi trữ lượng tăng; còn nếu trữ lượng giảm do biến động địa chất, hoặc tài liệu đánh giá khoáng sản không chính xác thì không được điều chỉnh.
"Như vậy, hệ lụy pháp lý xảy ra và trách nhiệm pháp lý xảy ra với cả cơ quan quản lý khoáng sản lẫn doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp vào trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 227 của Bộ luật Hình sự", ông Hiểu lo lắng.
Mong mỏi sớm được tháo gỡ các lo lắng đó, ông Hiểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét đề xuất bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và gộp (lồng ghép) vào thuế tài nguyên để không tạo áp lực "thuế chồng thuế" như hiện nay. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế hiện hành.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật Khoáng sản đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện.
Luật mới kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế. Đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mong muốn nhận được các ý kiến góp ý liên quan đến các thuật ngữ khoáng sản, khai thác khoáng sản, phương án thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quy hoạch tỉnh,…
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản gồm 13 chương, 132 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất những quy định cụ thể về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia…
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật tới tháng 10/2023.