Tham vấn cộng đồng về nhà máy tinh luyện đất hiếm 6.000 tấn/năm
(Dân trí) - Nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm tại tỉnh Bắc Ninh vừa được tham vấn cộng đồng về việc nâng công suất lên 6.000 tấn sản phẩm/năm.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm tại Khu công nghiệp Thuận Thành 3 (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vừa được tham vấn cộng đồng.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2023 nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm đã hoạt động tại khu công nghiệp này được 16 năm.
Báo cáo ĐTM nhấn mạnh, dự án không mở rộng thêm diện tích sử dụng đất, mà tiếp tục sử dụng diện tích đất thuê của Công ty cổ phần Khai Sơn, với trên 39.000m2.
Tháng 11/2020, chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam, đã lập dự án đầu tư cải tạo một số hạng mục dây chuyền sản xuất và điều chỉnh tăng quy mô từ 1.000 tấn sản phẩm/năm lên 2.500 tấn sản phẩm/năm, trong đó sản phẩm đất hiếm hỗn hợp là 1.500 tấn/năm và sản phẩm đất hiếm đơn chất 1.000 tấn/năm.
Dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt ĐTM vào năm 2021. Sau khi hoàn thành việc xây lắp, chủ dự án đã tiến hành lập hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức và được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy phép vào tháng 8/2022.
Doanh nghiệp đã hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền tinh luyện đất hiếm đơn chất và đang vận hành thử nghiệm trước khi đi vào vận hành chính thức.
Tuy nhiên do gặp khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị đã lắp đặt chưa hoạt động được hết công suất thiết kế nên doanh nghiệp tiến hành lập dự án đầu tư mới.
Mục tiêu nhằm bổ sung hoạt động nhập khẩu phế liệu, bổ sung nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy từ nước ngoài và nâng công suất tinh luyện đất hiếm lên đạt 6.000 tấn sản phẩm/năm (sản phẩm đất hiếm hỗn hợp là 2.500 tấn/năm và đất hiếm đơn chất là 3.500 tấn/năm).
Vì vậy, Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam tiến hành lập báo cáo ĐTM dự án Nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt.
Báo cáo ĐTM cho rằng, dự án phát sinh các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải trong quá trình thi công xây dựng và khi đi vào vận hành. Các loại chất thải này đều được chủ dự án thu gom, lưu giữ và có phương án xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép theo các quy định hiện hành về môi trường.
Do vậy, việc thực hiện dự án đầu tư là hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của công ty cũng như chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh
Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam đã hoàn thành hệ thống phòng cháy chữa cháy và được Phòng cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Bắc Ninh nghiệm thu thiết kế về phòng cháy chữa cháy.
Đối với việc vận chuyển chất thải nguy hại, theo báo cáo ĐTM, chủ cơ sở đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý và có các biện pháp để phòng ngừa, kiểm soát sự cố trong quá trình vận chuyển.
Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam (tiền thân là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) - VREX, được thành lập từ năm 2009.
Đất hiếm tiếng Anh gọi là Rare Earth, là nhóm nguyên tố hiếm được tìm thấy ở khắp nơi trên bề mặt vỏ trái đất, tuy nhiên chúng lại có hàm lượng ít, trữ lượng thấp và rất khó khăn trong khai thác và tách ra từng nguyên tố riêng biệt.
Đất hiếm đóng một vai trò quan trọng, thiết yếu trong cuộc sống và sản xuất, được xếp vào hàng cực kỳ quan trọng cho các ngành công nghiệp (trong đó gồm cả ngành sản xuất vũ khí) như chế tạo các nam châm vĩnh cửu cho các máy phát điện, chế tạo các nam châm ở các máy tuyển từ trong công nghệ tuyển khoán, làm chất xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường hiệu quả...
Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.
Các nhà khoa học gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của thế kỷ XXII.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.