"Khu chính trị Ba Đình, khi điều chỉnh quy hoạch không thể giao Hà Nội"
(Dân trí) - Nhấn mạnh Hà Nội có tính đặc thù khi tất cả cơ quan Trung ương đều đóng tại đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị "riêng quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, Trung ương phải quản".
Thảo luận về dự án Luật Thủ đô sửa đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 10/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu nhiều vấn đề cần hết sức cân nhắc.
Trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất phân quyền từ Thủ tướng cho UBND Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Chính sách này tương tự TPHCM đang thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang không đồng tình đề xuất này.
Ông nhắc thực tế TPHCM đã được phân cấp quy hoạch về điều chỉnh quy hoạch; quy hoạch xây dựng phân khu chức năng và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, nhưng riêng Hà Nội lại khác.
Theo ông, Hà Nội có tính đặc thù, tất cả cơ quan Trung ương đều đóng trên địa bàn này. "Tại sao Chính phủ, Thủ tướng phải quản quy hoạch ở đây? Vì sự điều phối giữa các cơ quan Trung ương và TP Hà Nội, khác TPHCM lắm", ông Giang nói.
Vị đại biểu lo ngại nếu phân quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch thì "động" hết.
"Ví dụ khu chính trị Ba Đình, khi điều chỉnh quy hoạch không thể giao Hà Nội được, thậm chí Trung ương phải quản chặt hơn. Hay như khu Giảng Võ, trước đây Hà Nội từng định làm chung cư 50 tầng, Quốc hội có ý kiến, Thủ tướng nói có vấn đề và yêu cầu rà soát mới cho dừng lại", từ thực tế này, ông Giang đề nghị riêng quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, Trung ương phải quản.
Liên quan đến cơ chế thanh toán cho các dự án BT, Hà Nội đề xuất được thanh toán cả bằng tiền và bằng đất. Đây cũng là điều Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị hết sức cân nhắc.
Nội dung này đã được thí điểm cho TPHCM, song theo ông là BT thanh toán bằng tiền.
Thực tế sau khi thông qua Luật PPP, ông Giang cho biết BT thanh toán bằng đất thất thoát quá nhiều. Việc này đã báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Chính trị quyết định chủ trương cho dừng và Quốc hội cũng cho dừng thanh toán BT bằng đất.
"Quốc hội mới cho thí điểm ở TPHCM thanh toán BT bằng tiền. Hà Nội còn nhiều dự án BT hơn cả TPHCM nên giờ mở ra cái này phải cân nhắc", theo ý kiến của ông Giang.
Trong khi đó, Bí thư Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đồng tình việc quy định nhiều cơ chế, chính sách mang tính chất cởi trói cho Hà Nội, giúp thành phố tự chủ, năng động hơn, linh hoạt hơn trong điều hành, thu hút đầu tư cũng như quản lý tài chính, quản lý con người.
Về đề xuất tăng đại biểu HĐND, Bí thư Thái Nguyên góp ý nên để có Hà Nội tự quyết định, không nên quá ràng buộc về số lượng.
Bà Hải cũng mong những chính sách được áp dụng với Hà Nội có hiệu quả sẽ sớm được sơ kết, tổng kết để áp dụng ở các địa phương khác, vì lãnh đạo các địa phương luôn tin "nếu được áp dụng những chính sách thế này, địa phương sẽ phát triển mạnh hơn, thu ngân sách cũng tăng rất nhiều.
Với tư cách nguyên Bí thư Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định dự án luật Thủ đô sửa đổi lần này thực chất là đạo luật về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, cũng là đạo luật phân cấp, phân quyền, giao quyền cho thành phố.
Về đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 người, Chủ tịch Quốc hội nói nghiên cứu rất kỹ thì thấy "hoàn toàn phù hợp".
"Khi bỏ HĐND cấp phường sẽ giảm được tới 6.000 người, nay chỉ tăng cho cấp TP mấy chục người. Từ 95 người lên 125 người chỉ tăng 30 người, trong khi đó giảm mấy nghìn biên chế chỗ này. Tôi cho là cũng hợp lý", Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất này.
Cũng đồng tình quan điểm này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng đây là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Điều này cũng hợp lý khi Hà Nội có quy mô dân số đông thứ 2 cả nước.