Thanh Hóa:
Đê sông Chu sạt lở nghiêm trọng, nhiều vùng vẫn chìm trong lũ
(Dân trí) - Tuyến đê trung ương đoạn chạy qua địa bàn huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ. Đến chiều ngày 7/9, vẫn còn hàng trăm nhà dân ngập chìm trong nước lũ.
Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua, nhiều điểm trên tuyến đê trung ương chạy dọc sông Chu bị sạt lở nghiêm trọng. Tại km 19+800, đoạn chạy qua địa bàn xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân xuất hiện vết nứt cung sạt dài hơn 50m. Ngay sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành gia cố, khắc phục bước đầu để không cho nước ngấm vào thân đê qua vết nứt.
Ông Trịnh Bá Lập - Chủ tịch UBND xã Thọ Cường cho biết: “Vết nứt trên xuất hiện vào khoảng 2 giờ sáng ngày 7/9, đến 5 giờ sáng cùng ngày thì vết nứt bắt đầu rộng ra. Chúng tôi đã báo cáo cấp trên và tiến hành xử lý, đến thời điểm này, vết nứt đã được xử lý xong”.
Còn tại km 24+400, đoạn qua xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, xuất hiện nhiều vết nứt ở mái đê kéo dài khoảng 70m, tại điểm này, xuất hiện nhiều vết nứt men mái đê. Trước tình hình trên, UBND huyện Thiệu Hóa đã phải huy động hàng trăm người tập trung gia cố, khắc phục tình trạng trên.
Mưa lũ trong những ngày qua cũng khiến huyện miền núi Quan Sơn bị cô lập hoàn toàn từ 11 giờ ngày 6/9, đến 13 giờ ngày 7/9, mọi thông tin liên lạc mới được nối lại. Theo thông tin ban đầu, đã có 3 đập bị cuốn trôi, nước tại cầu Phả Lò ngập cao hơn 1m, hàng trăm diện tích hoa màu bị nhấn chìm, cuốn trôi. Quốc lộ 217 lên huyện Quang Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông gần như bị chia cắt, đến chiều ngày 7/9 mới lưu thông trở lại.
Tại huyện Thọ Xuân, đến chiều ngày 7/9, nhiều xã trên địa bàn vẫn ngập chìm trong nước như Quảng Phú, Xuân Tín. Đê bao xã Quảng Phú tràn đê dài gần 5km, chia cắt xã Quảng Phú thành hai khu vực biệt lập. Từ 24 giờ ngày 6/9 đến 2 giờ ngày 7/9 đã vỡ 3 đoạn đê với chiều dài 150m gây ngập úng gần như toàn bộ thôn Thống Nhất với khoảng 500 hộ dân.
Huyện Nông Cống ngập toàn bộ hơn 1.500 lúa mùa đang trong thời kỳ làm đòng. Hàng trăm hộ dân ở các thôn xóm ngoài đê bị nước lũ cô lập.
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Hiện nay toàn bộ 6 xã vùng 3 (vùng thường xuyên bị ngập úng) của huyện Nông Cống đã bị ngập trong nước lũ. Do đặc điểm là vùng đồng chiêm trũng, không có lối thoát nước, nên chắc chắn thời gian ngập lụt sẽ kéo dài”.
Theo báo cáo của UBND huyện miền núi này, tính đến trưa ngày 7/9, trên địa bàn huyện đã có 1 người chết do mưa lũ. Nạn nhân là anh Phạm Phúc Ngọc 21 tuổi ở thôn Thanh Sơn xã Ngọc Sơn.
Tính đến 7h sáng nay ngày 8/9, số người chết do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tăng lên 8 người, 1 người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước lũ. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.500 tấn gạo để cứu đói cho dân vùng lũ và 30 cơ số thuốc chữa bệnh, một số giống ngô, rau màu các loại để khôi phục sản suất. Tỉnh này cũng đề nghị được hỗ trợ 150 tỉ đồng để tu bổ, khắc phục các đoạn đê kè bị sạt lở và các hồ đập bị hư hỏng để kịp thời chống bão lũ và phục vụ sản xuất; hỗ trợ 100 tỉ đồng để khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, kè cống bị cuốn trôi…
Những hình ảnh PV Dân trí ghi lại về cảnh sạt lở đê và tình hình diễn biến mưa lụt trên địa bàn Thanh Hóa:
Duy Tuyên - Thái Bá