Miền tây xứ Nghệ vẫn bị chia cắt, ngập lụt
(Dân trí) - Tính đến chiều nay 7/9, miền Tây xứ Nghệ còn nhiều nơi bị chia cắt. Nhiều khu vực nước vẫn đang dâng cao, nhiều làng mạc nằm trong tình trạng sạt lở...
Thông tin từ UBND huyện Quế Phong: Đêm mồng 6 đến rạng ngày 7/9/2012, do những trận mưa to kéo dài không ngớt từ những ngày đầu tháng 9/2012 đã làm sạt lở bờ taluy dương đường vào Thông Thụ tại bản Mường Phú (Khu tái định cư di dời lòng hồ thuỷ điện Hủa Na) vùi lấp hai ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản của gia đình các ông Quang Văn Chung và Quang Văn Tuấn. Rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Sáng nay (7/9) UBND xã Thông Thụ và người dân địa phương đang nỗ lực đào bới cứu trợ để tìm kiếm tài sản cho hai gia đình nói trên.
Cũng theo nguồn tin trên, trước nguy cơ nước sông Quàng dâng cao có thể gây lũ lớn , ngày hôm qua 6/9, UBND xã Cắm Muộn đã triển khai tổ chức di dời khẩn cấp 40 hộ dân thuộc hai bản là Bản Pún và Bản Phạt, xã Cắm Muộn ra khỏi vùng nguy hiểm. Những cánh đồng lúa, hoa màu đang trong thời kỳ thu hoạch của người dân xã Châu Hạnh, Châu Thắng, Châu Tiến huyện Quỳ Châu. Tiền Phong của huyện Quế Phong cũng chìm trong biển nước.
Tại huyện miền núi cao Quỳ Châu: Mưa to kéo dài làm nước sông Hiếu dâng cao, tuy chưa gây lũ lớn nhưng đã làm ngập úng hàng trăm ha cây màu và mía sắp thu hoạch hai ben bờ sông thuộc các địa phương xã Châu Hội, Châu Bình. Hàng trăm học sinh THCS và Tiểu học tại Châu Hội phải nghỉ học do giao thông bị chia cắt bởi nước dòng khe suối dâng cao không thể qua lại. Hiện tại mưa vẫn chưa ngớt rất có thể gây lũ lụt lớn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, BCHPCLB huyện đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương trong huyện chủ động đối phó với lũ lụt trên tinh thân “4 tại chỗ”.
Trong khi đó tại xã Yên Tĩnh - một xã biên giới của huyện Tương Dương, Nghệ An cách thành phố Vinh hơn 200km tiếp tục phải hứng chịu cảnh lũ dâng cao nhấn chìm hàng chục nhà dân, trụ sở UBND xã. Sau hơn 5 tiếng đồng hồ ngày 6/9 nước dâng cao hơn 1m làm trụ sở xã tê liệt, nhiều nhà dân cùng chung cảnh ngộ, sau khi nước rút chính quyền xã đã huy động cán bộ cùng nhân dân tiến hành dọn dẹp sau lũ.
Ông Vi Vũ Quang - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh - cho biết: "Mới hơn 1 năm kể từ cơn lũ quét vào tháng 6/2011, đến nay bà con xã chúng tôi tiếp tục đón lũ. Ở cái vùng này mỗi khi mưa xuống bà con ai cũng lo, vì cứ mưa to nước từ thượng nguồn đổ về nhanh lắm, nước đến khu vực trung tâm xã thì dâng lên nhanh và nhấn chìm nhà dân. Năm ngoái chỉ có hơn 3 giờ đồng hồ mưa lớn nước đã dâng cao hơn 4m, năm nay may mà mưa ít chứ mưa kéo dài thì bà con ta đây khổ lắm".
Cũng theo ông Quang, sau khi nước rút xã đã huy động bà con phối hợp với cán bộ xã tiến hành não vét bùn đất tại trụ sở xã, các trường học để các em đến trường trong thời gian sớm nhất.
Một số hình ảnh lũ lụt tiếp tục nhấn chìm miền Tây xứ Nghệ do PV và CTV của Dân trí ghi lại sáng và chiều ngày 7/9: