1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Âu lo “bom nước” ở thượng nguồn

Câu hỏi cũ nhưng vẫn là nỗi lo thường trực của người dân miền Trung mỗi mùa mưa bão đến. Hàng triệu người dân sống dưới vùng hạ du và dưới chân các thân đập đều thấp thỏm lo âu...

Người dân miền Trung cho rằng lũ ngày càng khốc liệt là do các hồ đập thủy điện. Ảnh: Thanh Hải

Người dân miền Trung cho rằng lũ ngày càng khốc liệt là do các hồ đập thủy điện. Ảnh: Thanh Hải

 

Khu vực này hiện có hơn 6.000 công trình hồ chứa, đập dâng lớn nhỏ, 22 nhà máy thủy điện có công suất từ 20 đến 220MW, chủ yếu là trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Ba (Phú Yên, Bình Định).

 

Hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng

 

Trước mùa mưa bão năm 2012, các chủ hồ chứa lớn ở miền Trung đã rà soát, kiểm tra lại độ an toàn và quy trình vận hành liên hồ chứa để khắc phục tình trạng xả lũ bất thường, gây chồng lũ như những năm trước. Song, với người dân vùng hạ du vẫn chưa thật sự yên tâm.

 

Tại Quảng Nam, từ đầu năm 2011 đến nay, người dân huyện miền núi, đặc biệt là huyện Bắc Trà My - khu vực ngay chân thủy điện Sông Tranh 2 - rất hoang mang trước tình trạng nước chảy qua thân đập đi kèm với hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra. Riêng hồ chứa thủy điện này đã hơn 730 triệu mét khối, “treo” trên cao trình 165m luôn là nỗi bất an, đe dọa tinh thần người dân vùng hạ du.

 

Cho đến thời điểm này, EVN, Bộ Công Thương vẫn luôn khẳng định là công trình an toàn. Nhưng điều đó chưa thuyết phục dân, nỗi lo là có thật.

 

Ngoài thủy điện Sông Tranh 2, hiện tại các tỉnh miền Trung còn có thủy điện lớn như Bình Điền, A Lưới ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; thủy điện Đăk My 4, A Vương, ở tỉnh Quảng Nam, thủy điện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên... Những hồ, đập này đều từng có “tiền sử” xả lũ bất ngờ, gây thiệt hại nặng nề cho hạ du.

 

Người dân miền Trung cho rằng lũ ngày càng khốc liệt là do các hồ đập thủy điện. Ảnh: Thanh Hải
Động đất và độ an toàn của công trình thủy điện đang là nỗi lo của các nhà khoa học. Ảnh: Thanh Hải.

 

Theo BCH PCLB Trung ương tại miền Trung, người dân các tỉnh miền Trung đang đối mặt với tình trạng xuống cấp của các hồ, đập thủy lợi nhỏ. Như tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có 60 hồ chứa nước đang xuống cấp. Trong đó có 30 hồ hư hỏng, xói lở tràn xả lũ, sụt lún bể tiêu năng, thấm qua thân đập, sạt mái thượng hạ lưu đập đất... không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Hầu hết hồ, đập nhỏ này được xây dựng bằng đất cách đây hơn 30 năm cần được đầu tư nâng cấp.

 

Để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi này, tỉnh Quảng Ngãi cần nguồn kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.

 

Tại Bình Định có 2 hồ chứa lớn là hồ Định Bình và Vĩnh Sơn với hơn 260 triệu mét khối nước và 130 hồ nhỏ. Hiện gần 1/3 số hồ chứa nhỏ trên địa bàn tỉnh có nguy cơ vỡ khi lũ lớn.

 

Chia đều trách nhiệm

 

Theo ông Văn Phú Chính - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều, kiêm Phó Văn phòng, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - hiện nay, việc phân cấp quản lý hồ đập còn nhiều bất cập, chồng chéo. Các hồ thủy điện thì thuộc Bộ Công Thương, hồ thủy lợi thuộc Bộ NNPTNT, các lưu vực sông thuộc Bộ TNMT, các hồ đập nhỏ lại thuộc chính quyền các tỉnh... Công năng mỗi hồ chứa nước sử dụng với các mục đích khác nhau, song, bản chất là những “túi nước” khổng lồ treo trên thượng nguồn, với người dân hạ du thì lo ngại chính là có an toàn hay không mà thôi.

 

Cũng chính việc phân cấp quản lý “rối ren” như hiện nay, dẫn đến việc phối hợp thực hiện điều tiết, cắt lũ hay duy tu bảo dưỡng... đều bất lợi. Ở địa phương nào chính quyền làm tốt vai trò “nhạc trưởng” thì tình hình khả quan và ngược lại. Để có một quy trình vận hành liên hồ hợp lý, đảm bảo an toàn cho hạ du, hiện nay vẫn trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh. Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN đề xuất Chính phủ rà soát lại quy hoạch thủy lợi thủy điện, sớm thành lập tổ chức quản lý tài nguyên nước...
 
Người dân miền Trung cho rằng lũ ngày càng khốc liệt là do các hồ đập thủy điện. Ảnh: Thanh Hải

 

Từ đầu năm đến nay, các địa phương tập trung khắc phục, gia cố một số hồ, đập nhỏ hư hỏng, kiểm tra quy trình vận hành hồ chứa. Lãnh đạo các tỉnh miền Trung khẳng định trước mùa mưa bão năm nay,  các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều an toàn. Cũng theo ông Văn Phú Chính, tuy nêu ra những yếu điểm, cảnh báo như vậy, song người dân vùng hạ du cũng không quá hoang mang, lo sợ. Vấn đề an toàn hồ đập vẫn trong tầm kiểm soát.

 

Về vấn đề sự cố thấm tại thủy điện Sông Tranh 2: Đại điện Cục An toàn kỹ thuật và môi trường cho rằng hiện tư vấn chống thấm và tư vấn giám sát đã báo cáo, đến thời điểm này, các khe thấm đã giảm hơn so với dự kiến ban đầu đưa ra. Phấn đấu sẽ giảm 80% lượng thấm, nhưng qua quan trắc lại thì đã giảm thấm đến 99,9% (?), đa số các điểm giảm 98,4%.

 

 Hiện, Viện Địa lý địa cầu đang đo quan trắc lại các tác động, Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo trên cơ sở đó Chính phủ sẽ có quyết định tích nước hay không tích nước. Hằng năm Bộ Công thương đều có kiểm tra an toàn đập. Năm 2012 Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đã kiểm tra, những đập ở quy mô nhỏ thì giao địa phương kiểm tra và sẽ báo cáo vào 15.9.

 

Theo Thanh Hải
 
Lao động