1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề nghị đình chỉ hoạt động công ty Vedan Việt Nam

(Dân trí) - Vi phạm của công ty Vedan là có hệ thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Vì thế, không chỉ có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, đình chỉ hoạt động, nhiều khả năng công ty này sẽ bị khởi tố.

Đền bù 15 tỷ đồng vẫn vi phạm

Công ty Vedan bắt đầu hoạt động từ năm 1993, chuyên sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính, nước đường, xút (NaOH), thức ăn chăn nuôi, phân bón, các sản phẩm công nghệ sinh học... nhà máy của Vedan nằm trên diện tích 120 ha thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Năm 1994, ngay sau khi đi vào hoạt động chính thức, công ty đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thuỷ sản chết hàng loạt. Năm 2005, công ty này đã phải đền bù với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM số tiền 15 tỷ đồng.

Số tiền đền bù này dường như không thấm tháp là bao so với lợi nhuận thu được nên Vedan sau đó vẫn tiếp tục các hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra sông Thị Vải.
 
Đề nghị đình chỉ hoạt động công ty Vedan Việt Nam - 1

Ống xả chất thải ra thẳng sông Thị Vải của công ty Vedan

Tháng 7/2005, công ty này lại bị xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng và được yêu cầu khắc phục ô nhiễm, hoàn thành các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn VN... Nhưng thay vì khắc phục ô nhiễm, công ty này đã thiết kế và lắp đặt hệ thống xả nước thải một cách tinh vi hơn ra môi trường.

Bằng các nghiệp vụ chuyên môn, Cục cảnh sát môi trường đã phát hiện Công ty Vedan đã thiết kế hệ thống 4 máy bơm, trong đó có 2 máy bơm nước sạch và 2 máy bơm nước thải. Những chiếc máy bơm này được điều khiển theo chủ ý của công ty, và nước thải đó được xả thẳng ra sông Thị Vải mà không qua hệ thống xử lý.

Đặc biệt nghiêm trọng, công ty Vedan đã lắp đặt hệ thống bơm dịch thải chất lỏng sâu dưới đất và trụ bơm thoát nước được cắm sâu xuống sông Thị Vải 7-8m và trên bề mặt cầu cảng có 1 miệng xả hở đường kính 20cm trực tiếp ra sông Thị Vải. Với thiết kế tinh vi này, tận dụng lúc trời tối, công ty đã xả dung dịch thải sau khi lên men với mỗi giờ xả 400m3 dung dịch thải xuống sông, mỗi tháng tới 44.800m3. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện có phát sinh amiăng thải (là chất thải nguy hại) tại khu vực lưu giữ, nước thải chăn nuôi của 2087 con lợn ngay tại công ty cũng được xả trực tiếp ra sông Thị Vải…

Cố tình “ăn” vào giá môi trường

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, việc xả dịch thải lỏng của Công ty Vedan đã trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải hàng chục tỷ đồng theo quy định. Ngoài ra, để xử lý 1m3 dịch thải sau khi lên men có nồng độ đậm đặc như trên phải tốn kinh phí đầu tư gần chục triệu đồng. Bởi vậy, dù đã phải đền bù cho người dân tới 15 tỷ đồng nhưng công ty vẫn tiếp tục vi phạm. “Công ty đã cố tình gian lận để kinh doanh siêu lợi nhuận. Họ đã “ăn” vào giá môi trường, “ăn” vào sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm” - Bộ trưởng bức xúc nói.

Đại tá Lương Minh Thảo - Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường, người trực tiếp điều tra chuyên án này, cho biết: “Hệ thống điều khiển chất thải của công ty Vedan trông như một trận đồ bát quái và với những người không có nghiệp vụ khó có thể phát hiện được”.

 

Đề nghị đình chỉ hoạt động công ty Vedan Việt Nam - 2

Một trong những người trực tiếp điều hành hệ thống xả thải của Vedan

 
 

Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi với báo giới trong một cuộc họp báo ngày 17/9:

 

Xin ông cho biết, với những sai phạm trên, công ty Vedan sẽ phải chịu hình thức xử lý như thế nào?

 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, coi đây là vụ vi phạm về môi trường điển hình, nếu đủ căn cứ pháp luật có thể khởi tố, đóng cửa nhà máy. Hồ sơ vụ việc đang được hoàn thiện nhưng theo phía công an đã đủ cơ sở khởi tố. Trước mắt, Vedan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng, với mức phạt tiền tối đa của các khung hình phạt: Tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm môi trường; Vedan có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với hành vi gây ô nhiễm của công ty.

 

Theo ông, liệu có sự bắt tay giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở đây không khi mà sự vi phạm của Vedan đã kéo dài nhiều năm, thậm chí cách đây không lâu họ đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước?

 

Theo khảo sát của chúng tôi, trong khoảng hơn 100 khu công nghiệp hiện nay, chỉ có khoảng hơn 20% thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường. Tại khu vực sông Thị Vải, không chỉ có doanh nghiệp Vedan xả chất thải nguy hại mà còn có những doanh nghiệp khác. Chúng tôi đã tiếp tục điều tra và sẽ công bố trong thời gian không lâu nữa.

 

Cho đến thời điểm này, tôi chưa phát hiện thấy có sự bắt tay giữa địa phương và doanh nghiệp, nhưng xu hướng địa phương chạy theo phát triển kinh tế và coi nhẹ tác động môi trường là có.

 

Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với sai phạm của công ty Vedan đến đâu?

 

Sau khi xử lý xong vụ sai phạm nghiêm trọng của công ty Vedan, chúng tôi sẽ họp rút kinh nghiệm, rà lại các văn bản quy phạm pháp luật, làm rõ trách nhiệm. Tôi biết một số bộ phận đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm!

 

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm