Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Đề nghị Chính phủ ưu tiên chiến lược chuyển đổi số vùng dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để có phát triển hạ tầng công nghệ ở những khu vực này.
Thúc đẩy chuyển đổi số ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Đại diện cho người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang, đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan nhắc lại chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 3/6/2020.
Phát triển hạ tầng công nghệ ở vùng núi, biên giới
Theo bà Lan, với sự quan tâm của Chính phủ và sự quyết liệt trong triển khai, chương trình này đã tạo được sự phát triển đột phá về công nghệ số, đặc biệt là việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, nữ đại biểu phản ánh trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở nhiều địa phương vẫn còn có những khó khăn như thiếu hụt về nhân sự.
Về công nghệ thông tin, ở những địa phương có đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người chưa có điện thoại di động, chưa có điều kiện để tiếp cận thông tin; hạ tầng công nghệ số còn thiếu và lạc hậu; một số vùng chưa có sóng di động, chưa có điện lưới quốc gia.
"Việc triển khai hệ thống thông tin giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ; còn hiện tượng trùng lặp dẫn đến địa phương phải dừng triển khai hoặc thay thế, nâng cấp để kết nối với trung ương", theo phản ánh của đại biểu Lý Thị Lan.
Bên cạnh đó, bà cho biết có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau. Đây chính là vấn đề lãng phí trong chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai chuyển đổi số chậm, kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số lớn.
Để khắc phục những hạn chế này và hoàn thành mục tiêu cơ bản chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bà Lan đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, từ thể chế, nhân lực số, kết nối các cơ sở dữ liệu; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Cũng quan tâm đến chiến lược chuyển đổi số ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đặng Thị Bảo Trinh ủng hộ quan điểm của đại biểu Lý Thị Lan.
Theo bà, công cuộc chuyển đổi số cần có hạ tầng về công nghệ thông tin phù hợp, phát triển ở mức độ nhất định, và người dân cũng cần có kiến thức để khai thác, sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, các yếu tố này tại các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới còn rất khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng để thực hiện số hóa nhiều ứng dụng đang được triển khai hiện nay.
Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng vấn đề này để các chiến lược phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp với các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi khó khăn trong từng giai đoạn nhất định.
Góp ý về vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp đã bị cắt các chính sách, do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ưu tiên giải quyết việc thiếu nước cho đồng bào vùng cao
Nêu thêm một kiến nghị về những vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu tỉnh Hà Giang cho biết địa phương này là vùng núi đá có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phải đối mặt với khô hạn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
"Ở nhiều xã vùng cao, người dân phải đi hàng chục kilomet để lấy nước sinh hoạt. Hàng nghìn hecta ngô, lúa không cho thu hoạch, mất trắng", bà Lan nói.
Bà đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án đầu tư công để xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu cho vùng cao nguyên đá Hà Giang; giải quyết căn cơ việc thiếu nước ăn, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao.
Góp ý trong lĩnh vực y tế, vị đại biểu tỉnh Hà Giang nhận định chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc, phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế ở địa phương vùng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bà đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần đẩy nhanh đề án khám, chữa bệnh từ xa hoặc thực hiện liên kết khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến trung ương với các bệnh viện tuyến tỉnh để hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho ngành y tế của các địa phương vùng cao, vùng khó khăn.
Về giao thông, nữ đại biểu nhắc đến kỳ vọng vào tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã được khởi công với quy mô 2 làn đường, hiện nay đã giải phóng bốn làn đường.
Bà Lan đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên đầu tư nguồn lực cho những dự án đã khởi công giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1, tiếp tục đầu tư đồng bộ giai đoạn 2, mở rộng từ 2 lên 4 làn đường, để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc.