Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số: "Phải trao cần cho người biết câu cá"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, khi hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải tính tới chủ thể, tập trung hỗ trợ người có khả năng sản xuất để lan tỏa, làm động lực thúc đẩy cho các cá nhân khác.

Một số chính sách, cơ chế đặc thù cùng chủ trương phân cấp để tạo sự chủ động cho địa phương trong thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) ghi nhận việc Chính phủ đã dành nguồn ngân sách rất lớn trong việc thực hiện chương trình các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện còn cách xa so với mục tiêu đặt ra.

Giao quyền chủ động cho địa phương

Nữ đại biểu cho rằng vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu, việc triển khai quan trọng cần tập trung vào những vấn đề đang bức xúc nhất.

"Trong quá trình triển khai thực hiện cần có cơ chế lồng ghép và kế hoạch nguồn lực cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", đại biểu Hoa Ry góp ý.

Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số: Phải trao cần cho người biết câu cá - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Ảnh: Hồng Phong).

Liên quan đến cơ chế thực hiện trong phân cấp và trao quyền, các nghị quyết của Quốc hội đều nhấn mạnh nên đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể.

"Nhiều nội dung văn bản trung ương phân cấp cho địa phương hướng dẫn nhưng các quy định hiện hành chưa đồng bộ, nội dung phân cấp chưa rõ, chưa có cơ sở để thực hiện, nhiều nơi phản ánh cứ việc gì khó thì đẩy xuống cấp dưới", đại biểu phản ánh.

Bà cũng chỉ ra bất cập khi trung ương lại ban hành việc giao vốn chi tiết đến từng tiểu dự án, từng lĩnh vực trong lĩnh vực chi sự nghiệp, không trao quyền cho địa phương được quyết định về nội dung chuyển nguồn vốn giữa các dự án, chương trình, dẫn đến dự án thừa vốn hoặc thiếu vốn.

"3 chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu hướng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người nông dân vùng nông thôn nghèo khó nên rất cần có cơ chế triển khai, có sự khác biệt phù hợp với thực tiễn đặt ra", đại biểu tỉnh Bạc Liêu góp ý.

Ngoài đề xuất nhóm chính sách cơ chế đặc thù, đại biểu Hoa Ry mong cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương thực chất hơn, hiệu quả hơn, rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu thực tế việc triển khai nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu sự đồng bộ từ khâu chỉ đạo đến xây dựng và sửa đổi các văn bản hướng dẫn.

Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số: Phải trao cần cho người biết câu cá - 2

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Ảnh: Hồng Phong).

Để triển khai kịp thời, hiệu quả nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, bà Đôi đề nghị Quốc hội xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nữ đại biểu kiến nghị tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, để địa phương chủ động lựa chọn quyết định nội dung, đối tượng thụ hưởng chính sách và cơ chế thực hiện lồng ghép các nguồn vốn.

Bà cũng lưu ý cần gắn việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Không phải ai có cần cũng biết cách câu cá"

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nhấn mạnh hai mục tiêu quan trọng là vừa hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Do đó, để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất được hiệu quả, nên tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển.

Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số: Phải trao cần cho người biết câu cá - 3

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Ảnh: Hồng Phong).

"Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường phù hợp với điều kiện thực tế. Chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp và các hộ gia đình có năng lực sản xuất", nữ đại biểu góp ý.

Trong khi đó, bà cho rằng chính sách an sinh xã hội trợ giúp hộ đói, hộ nghèo chỉ nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế, không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo, vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất.

"Có như vậy mới phát huy được toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững và hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo", theo lời đại biểu.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, nữ đại biểu phân tích cách tiếp cận chính sách hỗ trợ đã thay đổi từ hỗ trợ cho người dân con cá sang hỗ trợ cần câu. Tuy nhiên, theo bà Dung, thực tế cho thấy "không phải ai có cần câu cũng biết cách câu".

Vì vậy, vừa qua, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình sinh kế triển khai ở các địa phương, phần lớn mức chi và tổ chức thực hiện vẫn theo cách làm cũ, khiến chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất.

Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số: Phải trao cần cho người biết câu cá - 4

Đại biểu Quốc hội kiến nghị xác định đúng chủ thể khi hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)

"Muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho con cá và trao cần câu phải được cân nhắc, áp dụng phù hợp từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm. Theo tôi, các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay quan trọng nhưng không nên làm đại trà trong một thời gian dài", bà Dung góp ý.

Theo bà, việc hỗ trợ nên khai thác sâu hơn vào những chủ thể có khả năng đầu tư hiệu quả, tức là chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu.

"Điều này có nghĩa là chuyển hẳn từ hình thức cho không sang hình thức cho vay. Bởi sử dụng hình thức cho vay sẽ không sử dụng nhiều đến vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời thu hút được những người thực sự muốn sản xuất và có khả năng sản xuất vào đầu tư sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Bà Dung cho rằng đây sẽ là những doanh nghiệp, những hộ khá, hộ giàu tại các xã vùng khó khăn và là động lực thúc đẩy, khuyến khích các cá nhân khác, tạo nên cơ hội xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.